Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Cục đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.
Đầu tháng 9/2019 đến nay, người dân và du khách (đặc biệt là du khách nước ngoài) tụ tập đông tại khu vực đường sắt qua các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng để chụp ảnh, đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt. Nhiều hộ dân cũng đang kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt gây nên nguy cơ mất an toàn, tiềm ẩn tai nạn đường sắt cao.
Nhiều người tụ tập đông dọc đường sắt ở Hà Nội để chụp ảnh và buôn bán. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trước tình trạng này, Bộ GTVT đề nghị UBND Hà Nội chỉ đạo các quận kể trên xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường sắt. Ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đồng người dọc đường sắt để quay phim, chụp ảnh, uống cà phê.
Các quận cần tuyên truyền hơn với người dân pháp luật về đường sắt cũng như thủ tục cấp đất cho doanh nghiệp, các hộ dân khi xây dựng khu dân cư, nơi buôn bán để không vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Bộ giao lãnh đạo TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan xử lý, giải tỏa dứt điểm các điểm họp chợ, buôn bán hàng rong trong lòng đường sắt; quản lý chặt chẽ việc cấp đất cho cá nhân, tổ chức dọc hành lang đường sắt để đảm bảo an toàn. Nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tự mở lối đi, tái lấn chiếm đường sắt, phải xử lý nghiêm cán bộ địa phương trực tiếp quản lý.
Nguy hiểm khi những chuyến tàu đi qua. Ảnh: Duy Hiệu. |
Văn bản Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt cho người dân, đặc biệt người dân sống dọc hai bên tuyến đường, dọc đường ngang dân sinh và lối đi tự mở.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cùng nhau xử lý, giải tỏa dứt điểm những nơi vi phạm, không để tái diễn tình trạng họp chợ, buôn bán hàng rong trong lòng đường sắt để đảm bảo an toàn.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần thực hiện tốt quy chế giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành có đường sắt đi qua để đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đồng mức đường bộ với đường sắt và có biện pháp khắc phục sự cố giao thông nơi mình quản lý.