Ngày 21/8, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cùng Đoàn công tác Chính phủ trực tiếp khảo sát điểm sạt lở trên quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng về phạm vi, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản người dân.
Phó thủ tướng Trương Hòa cùng đoàn công tác khảo sát điểm sạt lở quốc lộ 91. Ảnh: Anh Minh. |
Cần giải pháp căn cơ ứng phó sạt lở
Sau khi khảo sát điểm sạt lở tại quốc lộ 91 và nghe báo cáo từ lãnh đạo tỉnh An Giang, Phó thủ tướng đánh giá mức độ sạt lở nghiêm trọng, khả năng tiếp tục xảy ra nếu không có giải pháp xử lý căn cơ.
Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành dự án đường tránh dài 5 km với tổng kinh phí 250 tỷ đồng, qua đoạn sạt lở quốc lộ 91, trước ngày 30/9 để đảm bảo giao thông.
Phó thủ tướng giao tỉnh An Giang nhanh chóng lập phương án khắc phục, báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tài và gửi Bộ Tài chính thẩm định về số tiền 25 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục khẩn cấp đoạn sạt lở trên quốc lộ 91. Bộ Giao thông Vận tải tham mưu, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Khu vực sạt lở trên quốc lộ 91 được phong tỏa. Ảnh: Anh Minh. |
Về xử lý đoạn quốc lộ để căn cơ lâu dài, Phó thủ tướng đồng ý về chủ trương theo đề nghị của tỉnh An Giang và Bộ Giao thông Vận tải, sau khi tuyến tránh hoàn thành, sẽ bàn giao đoạn sạt lở trên quốc lộ 91 cho tỉnh quản lý.
Tỉnh An Giang cần khẩn trương phối hợp với với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông Vận tải lập dự án xử lý đoạn sạt lở với kinh phí dự kiến khoảng 160 tỷ.
Sau đó, giao các bộ ngành liên quan xem xét, tổng hợp từ nguồn dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách Trung ương 10.000 tỷ đồng về Phòng chống thiên tai và Biến đổi khí hậu về cho tỉnh An Giang, báo cáo Thủ tướng xem xét.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với tỉnh An Giang. Ảnh: Anh Minh. |
Hơn 500 điểm sạt lở trên toàn ĐBSCL
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, báo cáo với Phó thủ tướng về việc sạt lở dọc theo các bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Toàn vùng ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km.
Từ đầu năm đến nay, An Giang xảy ra 17 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài sạt lở 1.294 m, có 78 căn nhà phải di dời khẩn cấp. Sạt lở xảy ra trên các kênh, rạch nối với sông chính cũng diễn biến phức tạp.
Như Zing.vn đã thông tin, đêm 31/7 và rạng sáng 1/8, quốc lộ 91 qua xã Bình Mỹ xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Vị trí sạt lở ăn sâu hơn một phần hai mặt đường với chiều dài 85 m, đe dọa 26 hộ dân.
Chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 15 hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, vận động 11 hộ trong vùng cảnh báo chuẩn bị phương án di dời.
Sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7 và nhà thầu thi công thông xe tuyến tránh tạm, đảm bảo giao thông trên quốc lộ 91 được thông suốt.
Khi đó, tỉnh An Giang ban bố tình huống khẩn cấp, cho thả bao tải cát nhằm gia cố, ổn định đường bờ, gia cố mái ta luy. Sau hơn 2 tuần, khu vực này tiếp tục bị sạt lở cuốn trôi toàn bộ số bao cát đã thả xuống để khắc phục sự cố.
Đến 4h sáng 1/8, đoạn quốc lộ 91 qua xã Bình Mỹ tiếp tục sạt lở dài 30 m, ăn sâu vào sát nhà dân, gần như kéo sụp hoàn toàn đoạn quốc lộ 91 qua khu vực này xuống sông Hậu.
Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ 11 hộ dân bị ảnh hưởng di dời đến nơi an toàn.