Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc và 4 bậc thay vì 6 bậc như hiện nay. Ảnh: EVN. |
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 12/10, ông Trần Tuệ Quang - Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - cho rằng việc xem xét điều chỉnh giá điện theo bậc thang là cần thiết để phù hợp với thực tế hiện nay, bao gồm các vấn đề liên quan đến kỹ thuật và các khách hàng mua điện.
Trên cơ sở đánh giá các tác động, Bộ Công Thương đề xuất cải tiến một số điểm, điển hình là bổ sung nhóm khách hàng cơ sở lưu trú du lịch từ giá điện kinh doanh sang sử dụng giá bán lẻ sản xuất.
"Trong dự thảo biểu giá có bổ sung cơ cấu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sản xuất mà cấp điện áp từ 220 kV trở lên. Trong phần cải tiến cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt, hiện gồm 2 phương án là 5 bậc và 4 bậc trong khi biểu giá điện hiện là 6 bậc. Sau khi lấy ý kiến, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp vào dự thảo và lấy ý kiến người dân", ông nói.
Với một số ý kiến về đối tượng chịu tác động từ việc điều chỉnh biểu giá điện sinh hoạt bán lẻ, ông cho biết Bộ đã sửa đổi cơ cấu điện giá bán lẻ sinh hoạt theo nguyên tắc đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, giá bán lẻ cung cấp cho sinh hoạt, đảm bảo thuận lợi cho hộ sử dụng điện hay doanh nghiệp, nâng cao công khai minh bạch trong thực hiện giá điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục một phần tình trạng hóa đơn bán lẻ điện có biến động lớn giai đoạn đổi mùa.
"Định hướng giảm bớt số bậc, thu hẹp biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt với số bậc phù hợp, mức chênh hợp lý và hạn chế tác động đến hộ sử dụng điện ở mức thấp và trung bình", ông đánh giá.
Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất chỉnh sửa giá bán lẻ điện sinh hoạt để phù hợp với thực tiễn sử dụng của người dân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Ảnh: EVN. |
Do vậy, với nguyên tắc này, các đối tượng có mức tiêu thụ điện thấp và ít trong tháng sẽ không bị ảnh hưởng. Về tác động của phương án 5 bậc so với phương án 6 bậc, tiền điện của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng từ 711 kWh/tháng trở lên sẽ phải trả thêm tiền điện còn nếu thấp hơn ngưỡng này thì chi phí không đổi.
"Đối với phương án 4 bậc, 2 nhóm bị ảnh hưởng là nhóm có mức tiêu thụ 119-232 kWh/tháng sẽ phải trả thêm tối đa 12.000 đồng/tháng/hộ, tương đương 3,25% so với biểu giá hiện hành. Nếu 806 kWh/tháng trở lên thì tiền điện cũng sẽ tăng thêm. Nhìn chung, các phương án biểu giá điện mới hướng tới nguyên tắc hạn chế tác động đến nhóm tiêu thụ điện thấp và trung bình", ông nói.
Trước đó, Bộ Công Thương có văn bản gửi 14 cơ quan thuộc Quốc hội cùng các bộ ngành và 63 địa phương lấy ý kiến về việc thay đổi biểu giá bán lẻ điện mới.
Cơ quan này đề xuất 2 phương án biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc và 4 bậc thay vì 6 bậc như hiện nay. Mức giá điện ở bậc thấp nhất là 1.678 đồng và cao nhất 3.356 đồng/kWh. Phương án 1 rút ngắn còn 5 bậc theo đề xuất của EVN và tư vấn nhưng Bộ Công Thương có thay đổi về cơ cấu tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân.
Theo Bộ Công Thương, với phương án 5 bậc thì có 91,3% số hộ dùng điện với khoảng 89,6% sản lượng so với tổng lượng điện tiêu dùng cho sinh hoạt không bị tăng giá, thậm chí còn được giảm giá.
Đối với phương án 4 bậc, khoảng 33,4% số hộ dùng điện ở bậc 1 được giảm giá 56 đồng/kWh. Nhưng ngay ở bậc 2 (101-300 kWh) có 100 kWh bị tăng 149 đồng/kWh, bậc 3 (301-700 kWh) cũng có 100 kWh bị tăng 93 đồng/kWh; còn 700kWh trở lên tăng 149 đồng/kWh.