Chiều 20/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương đã họp để bàn nhiều vấn đề mới phát sinh khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Mỹ và EU. Điều này đang ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Lo ngại đình trệ hàng hóa sang Mỹ và EU
Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho biết trong khi việc buôn bán hàng hóa với Trung Quốc có tín hiệu tích cực thì các thị trường Mỹ và EU dần khó khăn. Khoảng 2-3 ngày gần đây, các doanh nghiệp trong nước liên tục nhận được đề nghị giãn, lùi tiến độ giao hàng từ các đối tác Mỹ và EU.
Bà Trang nêu thực trạng một số doanh nghiệp đã đưa hàng ra cảng mà chưa thể xuất đi nên phải chịu chi phí lưu thông kho bãi và đòi hỏi có biện pháp hỗ trợ khó khăn.
Nhiều loại hàng hóa chủ lực của Việt Nam đang gặp nguy cơ khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ và EU. Ảnh: Lê Quân. |
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu đề xuất cần tính toán phương án xuất hàng, xúc tiến các thị trường mà dịch đã dần phục hồi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngoài ra, chuẩn bị hàng hóa để tận dụng EVFTA được thực thi sau khi dịch qua đi.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Công Nghiệp Trương Thanh Hoài đưa ra nhiều thông tin xấu hơn về các ngành công nghiệp. Ông Hoài cho biết các ngành công nghiệp nặng như thép, ôtô… đang giảm sâu do nhu cầu giảm thấp. Công nghiệp thực phẩm như ngành bia sản lượng chỉ đạt 60% so với cùng kỳ.
Ông Hoài đánh giá, khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng tại Mỹ và EU, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ… cũng đang dần chịu ảnh hưởng.
Theo Cục trưởng Cục Công nghiệp, 2 ngành dệt may và da giày từ khoảng giữa tháng 3 đã phần nào cải thiện vướng mắc về nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, 2 ngành này lại đối mặt với khó khăn về đầu ra.
“Mỹ và EU đã có các yêu cầu hoãn và dừng đơn hàng trong tháng 4 và 5; đơn hàng tháng 6 tạm thời chưa đàm phán nên rất khó khăn”, ông Hoài nói.
Theo ông Trương Thanh Hoài, năng lực sản xuất dệt may và da giày của Việt Nam là rất lớn. Với ngành dệt may, sản lượng là 50 tỷ USD còn ngành dệt may là 20 tỷ USD. 70% sản lượng này lại xuất sang Mỹ và EU. Mặt khác, tiêu dùng nội địa dệt may, da giày chỉ đạt khoảng 5-7 tỷ USD/năm. Thậm chí người Việt chỉ dùng khoảng 40% hàng dệt may sản xuất trong nước, còn lại là nhập khẩu.
Việc các ngành hàng này gặp khó khăn về đầu ra có khả năng ảnh hưởng đến lực lượng lao động lớn đang làm trong 2 ngành này. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực dệt may, da giày. Ngoài ra còn khoảng 100.000 lao động ngành đồ gỗ.
“Lao động ở miền Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Hồng là rất lớn, chiếm khoảng 60% lao động ngành dệt may, da giày nên công tác an sinh xã hội đặt ra rất lớn”, ông Hoài báo cáo.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp đề xuất cần khẩn trương ban hành chính sách gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… để hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định sản xuất. Ông cũng đề xuất cần có chính sách xúc tiến thương mại vào các thị trường mới, giải tỏa hàng hóa.
Đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và tiêu dùng
Về thị trường trong nước, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Thị trường trong nước, cho biết đang có vấn đề với ngành xăng dầu khi giá xăng dầu đang giảm liên tục. Ông Đông cho biết 2 nhà máy lọc hóa dầu đang “teo tóp” do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm 20-25%. Trong khi đó, với doanh nghiệp nhập khẩu thì đang tồn kho khoảng 40%. Từ đó đòi hỏi các chính sách hỗ trợ, giảm thiệt hại, nhưng vẫn phải đáp ứng đầu đủ nguồn cung trong nước.
Đồng tình, ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, cho biết nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đang tồn kho khoảng 60-70% sản phẩm. Trong khi đó, giá dầu thô thế giới giảm mạnh khiến việc khai thác cũng chịu tác động.
Theo nghị quyết của Quốc hội giao chỉ tiêu giá dầu thô là 60 USD/thùng, nhưng hiện đã giảm về 30 USD/thùng. Vụ này dự báo việc giảm giá dầu thô sẽ giảm 2,4 tỷ USD doanh thu, giảm nộp ngân sách khoảng 800 triệu USD.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp đặt ra nhiều vấn đề mới. Ông cho rằng không chỉ các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ… mà còn các ngành như điện tử, chế biến… cũng sẽ dần ảnh hưởng theo do nhu cầu toàn cầu sụt giảm.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: MOIT. |
Ông nhấn mạnh giải pháp cần đẩy nhanh việc mở cửa thị trường, tìm kiếm các đối tác, bạn hàng mới, từ đó khơi thông hàng hóa Việt Nam.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cơ hội cho hàng hóa sau dịch bệnh là rất lớn, qua đó có thể mở rộng, chiếm lĩnh thị trường, tăng thị phần. Đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu công nghiệp chế biến, đặc biệt là hàng hóa nông sản.
Ông yêu cầu phải làm rõ khó khăn của từng ngành hàng, các doanh nghiệp để từ đó có giải pháp cụ thể.
Với các đề xuất giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ sớm có nghiên cứu, báo cáo đề xuất Chính phủ.
Với đề xuất có gói tài chính kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp, ông nhấn mạnh cần làm rõ đối tượng, cơ chế, hình thức và mức hỗ trợ, từ đó có báo cáo đề xuất Chính phủ.