Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có báo cáo gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Sáng 7/9, ông Trần Tuấn Anh cũng sẽ có phiên giải trình tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về vấn đề này.
Bùng nổ năng lượng tái tạo
Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh, tăng 2,35 lần so với năm 2010 (101,4 tỷ kWh). Sản lượng điện thương phẩm toàn quốc năm 2019 đạt 209,77 tỷ kWh, tăng 2,46 lần so với năm 2010 (85,4 tỷ kWh).
Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên đầu người tăng 2,2 lần, từ 982 kWh/người (năm 2010) lên 2.180 kWh/người (năm 2019).
Tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13%/năm. Trong đó tăng trưởng lớn nhất là nguồn nhiệt điện than (bình quân 27%/năm). Tuy nhiên, giai đoạn 5 năm sau (2016 - 2019), tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm, trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/năm).
Điện mặt trời có giai đoạn phát triển bủng nổ vào khoảng 2016-2019. Ảnh: HH. |
Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là thủy điện đã khai thác hầu hết tiềm năng kinh tế trong giai đoạn trước. Nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong xây dựng.
Trong khi đó, năng lượng tái tạo có sự bùng nổ về số lượng dự án và công suất đưa vào vận hành. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn từ cuối năm 2018 đến hết năm 2019 đã đưa vào vận hành gần 5.000 MW điện gió và điện mặt trời nhờ chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo hấp dẫn. Hiện tại cơ cấu của nguồn năng lượng tái tạo đã chiếm tới 9,6% tổng công suất đặt của nguồn điện.
Khối lượng công suất đặt của năng lượng tái tạo đến nay đã vượt khá xa các mục tiêu của quy hoạch, đặc biệt là khối lượng của điện mặt trời. Quy hoạch điện VII điều chỉnh, công suất điện mặt trời tới năm 2020 dự kiến là 850 MW, nhưng thực tế đến nay đạt được 5.245 MW.
Ngoài ra, công suất điện gió tới năm 2020 dự kiến là 800 MW, thực tế đến tháng 8 năm 2020 đạt được 450 MW và dự kiến sẽ vượt công suất điện gió tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh trong tương lai gần.
Sẽ phải nhập LNG để phát điện
Về cơ cấu nguồn điện, nhiệt điện than đang đóng góp tỷ trọng lớn nhất 50% với 120 tỷ kWh, đứng thứ 2 thuộc về nguồn thủy điện chiếm 28% và thứ ba là nhiệt điện khí chiếm 19%, điện từ năng lượng tái tạo chiếm chỉ chiếm 2%, nhập khẩu chiếm 1%.
Bộ Công Thương cũng cho biết hệ số huy động công suất của nhiệt điện than năm 2019 lên tới 68% (bình quân đạt gần 6.000 h/năm). Mức huy động bình quân khoảng 6.000 h/năm đối với nhiệt điện than được đánh giá là khá cao và mức độ này có xu hướng tăng dần trong các năm kế tiếp.
Điều này chứng tỏ hệ thống điện bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu nguồn điện dự phòng. Trong các năm tiếp theo, cần tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng đối với các nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải.
Mục tiêu đảm bảo đủ điện vào 2030 vẫn là thách thức lớn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Về cung cấp nhiên liệu để phát điện, Bộ Công Thương nêu thực trạng sản lượng than sản xuất trong nước không đủ đáp ứng cho các nhà máy nhiệt điện. Từ năm 2018 đã phải nhập khẩu than và phối trộn để cấp cho sản xuất điện.
Về cung cấp khí, sản lượng khí này đến nay về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện. Theo kế hoạch các mỏ khí lớn như Cá Voi Xanh được đưa vào khai thác từ năm 2024, mỏ khí Lô B đưa vào khai thác từ năm 2023 thì sản lượng khí khai thác về bờ từ năm 2020 - 2030 được duy trì ở mức 11-16 tỷ m3/năm.
Tuy nhiên, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nhà máy điện khí tới năm 2030 của Việt Nam đạt trên 27.000 MW. Do sự suy giảm của các mỏ khí khu vực Đông Nam Bộ từ sau năm 2022, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) cho sản xuất điện. Lượng LNG nhập khẩu ước tính lên tới trên 10 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào
Về cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Công Thương cho biết nhu cầu phụ tải điện của hệ thống điện quốc gia trong năm 2020 dự kiến đạt 255,6 tỷ kWh, tăng 6,5% so với năm 2019, thấp hơn dự kiến khoảng 4 tỷ kWh (do ảnh hưởng của dịch Covid-19).
Việc cung ứng đủ điện trong năm nay cơ bản được đảm bảo nếu không có các diễn biến quá bất thường xảy ra. Bộ này dự báo do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây.
Viện Năng lượng tính toán nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021 - 2030 với điện thương phẩm năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.
Tuy nhiên, do nhiều nguồn điện lớn bị chậm tiến độ, nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với công tác cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, để đảm bảo cân đối cung cầu điện từ năm 2021, cần nghiên cứu các giải pháp vận hành để sử dụng tối đa các nguồn điện hiện có và giải pháp tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo do có thể triển khai xây dựng nhanh.
Bộ này đưa ra một loạt đề xuất. Trong đó, chuyển đổi nhiên liệu cho nhiệt điện Hiệp Phước 375 MW từ sử dụng FO sang sử dụng LNG. Tiếp tục khai thác hợp lý các nguồn điện mặt trời và điện gió để vận hành trong các năm từ 2021 - 2023 để bù lại phần điện năng không cung cấp được của các nhà máy nhiệt điện bị chậm tiến độ.
Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục ký kết các hợp đồng mua bán điện để nhập khẩu điện từ Lào. Tổng công suất nhập khẩu từ Lào năm 2025 khoảng 3.000 MW. Ngoài ra xem xét tăng sản lượng nhập điện qua cấp điện áp 220 kV từ Trung Quốc.
Dự kiến đến năm 2030, nhiệt điện than đạt khoảng gần 50.000 MW chiếm khoảng 33,6% tổng công suất lắp đặt nguồn điện (giảm 9% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Trong đó, nhiệt điện khí đạt khoảng 27.800 MW, chiếm 19% (cao hơn quy hoạch 4%), thủy điện lớn trên 30 MW đạt khoảng 19.200 MW (chiếm 13%), thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo đạt khoảng 38.000 MW chiếm 27% (cao quy hoạch 6%).