Đáng lưu ý tại công văn này, Bộ Công Thương cho rằng để tiếp tục có các giải pháp phát triển ngành ôtô trong nước thời gian tới, giảm bớt tình trạng nhập siêu ôtô thì cần có thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, như điều chỉnh lại các chính sách thuế phí, phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, bộ này đề nghị Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung như đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công.
Cụ thể như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ôtô; đề xuất miễn thuế nhập nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ.
Bộ cũng kiến nghị việc áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế thời hạn 8 tháng thay vì 30 ngày như hiện hành.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết ngành công thương diễn ra hôm 15/1, ông Lê Ngọc Đức – Tổng giám đốc Hyundai Thành Công, cũng đề xuất Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét một số kiến nghị như nêu ở trên.
Theo ông Đức, nhằm đạt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, Chính phủ đã ban hành các nghị định như Nghị định 116 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô hay Nghị định 125 quy định lộ trình miễn thuế nhập khẩu linh kiện đối với các nhà sản xuất đáp ứng đủ các điều kiện về sản lượng, các tiêu chuẩn khí thải, dung tích xi lanh đối các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ, xe khách, xe tải.
Tuy nhiên, các ưu đãi đưa ra, cụ thể theo Nghị định 125, vẫn chưa đủ mạnh để tạo ưu thế đáng kể cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN.
Về phía Bộ Tài chính, tại buổi làm việc với một doanh nghiệp sản xuất ôtô sau đó, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là phát triển công nghiệp ôtô trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dùng;
Việt Nam phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp ôtô thế giới, góp phần tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam hoan nghênh Kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ôtô thứ hai của Mitsubishi Motors tại Việt Nam.
Tuy nhiên, về chính sách thuế, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết việc miễn thuế linh kiện ôtô nhập khẩu, Chính phủ Việt Nam đã có Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có quy định miễn thuế nhập khẩu cho mặt hàng này từ 1/1/2018 đến năm 2022.
Thứ trưởng cũng khẳng định, để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện ràng buộc về quy mô sản xuất, sản lượng tối thiểu...
Còn về kiến nghị thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt đảm bảo tuân thủ các cam kết, đặc biệt là trong WTO để có thể đưa ra chính sách phù hợp mà không vi phạm.