Việt Nam mua điện từ Lào, Trung Quốc với sản lượng tương đối nhỏ và không phải thiếu mới nhập khẩu. Ảnh: EVN. |
Tại hội nghị thúc đẩy hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào vừa diễn ra, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá việc nhập khẩu điện, than từ Lào không chỉ giúp phát triển kinh tế giữa hai nước mà còn thực hiện mục tiêu kép về an ninh quốc phòng và cung ứng năng lượng cho nền kinh tế.
Để đảm bảo cung ứng điện trong những năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương trình Chính phủ về cơ chế giá điện nhập khẩu từ Lào và hoàn thành trong quý I/2024.
Bộ trưởng cũng giao EVN trong tháng 12 phải đề xuất về việc triển khai đường dây truyền tải mới từ Lào về Việt Nam để kêu gọi đầu tư nhằm nâng công suất nhập khẩu điện từ Lào.
Ngoài ra, để thực hiện chủ trương nhập khẩu than từ Lào theo thỏa thuận cấp cao, ông Diên giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đề xuất cơ chế nhập (giá mua và bán) than từ Lào về Việt Nam.
Trước đó, trong tháng 9, EVN đã có văn bản đề xuất Bộ Công Thương sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện với tổng công suất 225 MW từ các nhà máy điện gió, thủy điện như Nậm Mô, Houay Koauan và phương án đấu nối với 3 nhà máy điện gió Savan 1 và 2.
Theo Quy hoạch điện VIII và Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Lào năm 2019, tổng công suất nguồn điện từ Lào bán về Việt Nam giai đoạn 2020-2025 tối thiểu là 3.000 MW và giai đoạn 2025-2030 tối thiểu là 5.000 MW.
Theo một báo cáo của Ủy ban Kinh tế, năm 2020 Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào với tổng công suất khoảng 572 MW. Thời điểm đó, giá mua điện bình quân từ Lào là 1.368 đồng/kWh, rẻ hơn giá mua điện bình quân trong nước.
EVN cho biết miền Bắc có thể thiếu trên 3.630 MW và sản lượng khoảng 6,8 tỷ kWh trong cao điểm mùa khô (tháng 5-7) năm 2025 do các nguồn điện mới vào vận hành rất ít, chủ yếu rơi vào thời điểm cuối năm. Do đó, việc nhập khẩu điện từ Lào sẽ bổ sung thêm đáng kể nguồn điện, đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc những năm tới.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.