Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công Thương: Giá FIT năng lượng tái tạo dựa trên các hồ sơ kỹ thuật

Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư chuyển tiếp, thỏa thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa nhà máy vào vận hành.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3/4, liên quan đến vấn đề thỏa thuận giá bán điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trước đây các dự án được áp dụng giá FIT - cơ chế giá điện hỗ trợ được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió, được quy định chỉ áp dụng trong khoảng thời gian nhất định.

"Sau khi cơ chế này hết hiệu lực (dự án hoàn thành sau 31/10/2021), cần có một cơ chế giá điện mới cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Theo đó, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15 quy định phương pháp xác định khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp", ông cho biết.

EVN đã báo cáo Bộ Công Thương về kết quả tính toán khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở đó, Bộ đã tham khảo, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành liên quan ban hành Quyết định 21 quy định khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Khung giá này để làm cơ sở cho EVN và các chủ đầu tư thỏa thuận giá điện, sớm đưa nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

khung gia dien mat troi anh 1

Các nhà đầu tư lo ngại cơ chế giá phát điện thiếu hợp lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Khung giá điện này đã được tính toán trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió", ông Hải nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, việc lựa chọn thông số đầu vào để tính toán khung giá đã được thực hiện theo đúng tinh thần của Thông tư 15. Sau khi có khung giá điện này, ông cho biết Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư dự án chuyển tiếp, thỏa thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa các nhà máy vào vận hành.

"Việc đàm phán này cần được thực hiện trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, đồng thời dự án phải chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy...", ông nói.

Thứ trưởng mong EVN cũng như các chủ đầu tư thực hiện đúng theo tinh thần như vậy, vừa đảm bảo sớm nhất đưa các dự án vào hoạt động. Bên cạnh đó vẫn phải tuân thủ theo đúng quy định và theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngày 10/1, Bộ Công Thương ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Theo đó, mức giá trần (giá cao nhất) của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh. Giá trần áp dụng cho điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.

Khung giá này sẽ là cơ sở để EVN và đơn vị phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận giá phát điện theo quy định. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 2 tháng, EVN vẫn chưa nhận được nhiều hồ sơ các nhà máy điện gửi đến để tiến hành đàm phán.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

EVN lỗ kỷ lục hơn 26.000 tỷ, giá điện sắp vượt 2.000 đồng/kWh?

Trong năm 2022, giá thành sản xuất điện đã vượt 2.000 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021 và cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành gần 168 đồng/kWh.

Thế khó của các bên khi đàm phán giá điện mặt trời, điện gió

Bộ Công Thương vừa chỉ đạo EVN đàm phán giá điện tái tạo với các chủ đầu tư, song hiện nay mới có một dự án nộp hồ sơ nên khó có thể đàm phán xong trước ngày 31/3.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm