Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

EVN lỗ kỷ lục hơn 26.000 tỷ, giá điện sắp vượt 2.000 đồng/kWh?

Trong năm 2022, giá thành sản xuất điện đã vượt 2.000 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021 và cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành gần 168 đồng/kWh.

Giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864,44 đồng/kWh áp dụng từ 3/2019 đến nay. Ảnh: Lê Hiếu.

Ngày 31/3, Bộ Công Thương chính thức công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau khi cơ quan này cùng Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp.

Cụ thể, trong năm vừa qua, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN lên tới 493.265 tỷ đồng, tương đương giá sản xuất điện 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Dựa trên số liệu này, Bộ Công Thương và EVN sẽ tính toán, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện trong năm nay.

Theo đó, với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864,44 đồng/kWh áp dụng từ 3/2019 đến nay, EVN lỗ 167,82 đồng/kWh điện bán ra trong năm 2022. Kết quả công bố của Bộ Công Thương cũng cho thấy tập đoàn này lỗ tới 36.294 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Trừ thu nhập từ hoạt động liên quan, EVN ghi nhận mức lỗ 26.236 tỷ đồng - mức lỗ lớn nhất trong lịch sử.

Có thể tăng thêm gần 10%?

Lần tăng giá bán lẻ điện bình quân gần nhất là thời điểm tháng 3/2019, từ 1.720 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh, tương đương 8,36%. Ở lần tăng này, cơ quan chức năng cho biết mức điều chỉnh dựa trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN.

Cụ thể, năm 2017, chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN đạt gần 291.300 tỷ đồng, tương đương giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.667,77 đồng/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016. Sau khi cộng tất cả thu chi năm 2017 của toàn tập đoàn, EVN ghi nhận khoản lỗ khoảng 2.220 tỷ đồng.

Như vậy, tính toán thêm thông số đầu vào ở các khâu, phân bổ chênh lệch tỷ giá, tính toán giá điện 2019 nên từ 20/3/2019, giá điện được điều chỉnh tăng 8,36%.

Với kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN vừa được công bố và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân mới ban hành (1.826,22-2.444,09 đồng/kWh), nhiều khả năng giá bán lẻ điện bình quân sẽ có mức tăng cao hơn thời điểm tháng 3/2019, tức tăng hơn 8,36%, tương đương vượt 2.020,31 đồng/kWh.

EVN GHI NHẬN MỨC LỖ LỚN NHẤT TRONG LỊCH SỬ
Nguồn: BCTC; Tổng hợp
Nhãn 2017 2018 2019 2020 2021 2022
Doanh thu tỷ đồng 299346 343346 399508 409802 426000 460700
Lợi nhuận
6593 6818 9720 14480 14730 -26235

Tuy nhiên, mức tăng cụ thể còn căn cứ vào giá thành, cơ cấu nguồn điện (than, dầu, khí) cũng như các loại phí, chênh lệch tỷ giá, đánh tác động đến kinh tế vĩ mô... mà EVN và Bộ Công Thương phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.

Trong 15 năm qua, giá điện đã tăng gấp 2,2 lần từ 842 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh. Trong đó, mức điều chỉnh giá điện cao nhất vào năm 2011 với tỷ lệ điều chỉnh khoảng 17,4% (ngày 1/3/2011 giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.058 đồng/kWh lên 1.242 đồng/kWh).

Lạm phát có thể tăng 4,8% nếu giá điện tăng 8%

Việc giá thành sản xuất điện năm 2022 tăng 9,27% nên việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 24/2017 thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương sau khi EVN báo cáo.

Chia sẻ thêm khoản lỗ của EVN, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó tổng giám đốc EVN cho biết năm 2022, tập đoàn lỗ chủ yếu do chi phí điện đầu vào cao, nhiều phát sinh tăng lên. Ngoài ra, ông cho rằng nguyên nhân vì giá điện chưa được điều chỉnh trong 4 năm qua.

"Trên thế giới, giá nhiên liệu đầu vào như than, dầu, khí, đặc biệt là giá than tăng hơn 3 lần, có thời điểm tăng 4-5 lần. Điều này là nguyên nhân lớn khiến chi phí đầu vào tăng cao", ông Nam nói.

Trong báo cáo công tác điều hành giá mới đây, Bộ Tài chính cho rằng giá điện điều chỉnh trong năm nay sẽ là một trong những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá.

Cơ quan này đưa ra ba kịch bản dự báo lạm phát năm nay với mức tăng 3,9-4,8% so với năm 2022. Các kịch bản đưa ra dựa trên cơ sở tính toán, dự báo áp lực tăng và giảm giá mặt hàng như xăng dầu, gas, lương thực, thực phẩm (gạo, thịt heo), điện sinh hoạt, vật liệu xây dựng, giáo dục, y tế và nhà ở thuê.

Trong đó, với kịch bản giá điện sinh hoạt tăng 5% thì cơ quan tài chính tính toán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm nay có thể tăng 3,9%. Nếu giá điện sinh hoạt tăng 7% thì CPI bình quân tăng 4,4%. Còn nếu giá điện sinh hoạt tăng 8% thì CPI bình quân tăng khoảng 4,8%.

LỊCH SỬ ĐIỀU CHỈNH GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN BÌNH QUÂN TRONG 15 NĂM QUA

Nhãn 1/1/2007 1/7/2008 1/3/2009 1/3/2010 1/3/2011 20/12/2011 1/7/2012 22/12/2012 1/8/2013 16/3/2015 1/12/2017 20/3/2019
Giá bán lẻ điện bình quân đồng/kWh 842 890 948.5 1058 1242 1304 1369 1437 1509 1622.01 1720.65 1864.44
Mức tăng % 0 5.7 6.6 11.5 17.4 6.9 5 5 5 7.5 6 8.34

Trao đổi với Zing, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng việc tăng giá điện hiện nay là nhu cầu tương đối cấp bách đối với tình hình của EVN. "Tuy nhiên, mức tăng giá như thế nào và tăng khi nào là bài toán của cơ quan chức năng để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Song, đây cũng là vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng vì tăng giá điện lúc này là vấn đề rất nhạy cảm", ông nhìn nhận.

Bởi theo vị chuyên gia này, hiện nay, lạm phát đang có xu hướng tăng cao; nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do chi phí tăng cao trong khi đơn hàng bị cắt giảm mạnh. Do đó, bài toán tăng giá điện trong bối cảnh này là bài toán khó giải.

Về phương pháp lập giá bán điện bình quân, Quyết định 24/2017 của Thủ tướng đã nêu rõ giá bán điện bình quân được lập hàng năm trên cơ sở chi phí mua điện từ các đơn vị phát điện, chi phí và lợi nhuận định mức của các khâu truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí quản lý chung của Tập đoàn EVN.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...

Bộ Công Thương: EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022

Theo Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng. Chi phí sản xuất kinh doanh điện là 493.265 tỷ đồng.

Nhà phân phối ủy quyền Apple thu gần 1.600 tỷ từ bán điện thoại

Trong 2 tháng đầu năm, kinh doanh điện thoại đem lại doanh thu lớn nhất cho mảng phân phối của Petrosetco với 1.558 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.

Dong USD cao nhat 13 thang hinh anh

Đồng USD cao nhất 13 tháng

0

Chỉ số USD-Index vừa chạm mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Trong nước, giá giao dịch đồng bạc xanh tại các ngân hàng thương mại cũng tăng kịch trần cho phép.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm