Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công Thương: EVN lỗ không phải do điều hành giá điện bất cập

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng EVN thua lỗ vì phải chịu tình trạng chênh lệch giá đầu vào, đầu ra lớn cùng nhiệm vụ đảm bảo bình ổn giá điện.

Tại nghị trường Quốc hội sáng 21/8, các vấn đề liên quan đến ngành điện tiếp tục được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Trong đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) phản ánh tình trạng nhiều cử tri và chuyên gia cho rằng việc điều hành giá điện có nhiều bất cập và là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện trong năm 2022 và năm 2023.

Đồng thời, đại biểu đề nghị tư lệnh ngành thông tin về những giải pháp điều hành giá điện trong thời gian tới.

Giải pháp giúp EVN thoát lỗ

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định không có chuyện điều hành giá điện bất cập khiến ngành điện thua lỗ.

Ông cho rằng Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thực hiện 3 chức năng cơ bản là quy hoạch, kế hoạch; cơ chế chính sách; và thanh tra, kiểm tra.

"Chúng tôi tự thấy việc tham mưu xây dựng chính sách, nhất là chính sách giá điện vừa qua, đã tuân thủ theo đúng quy định của luật hiện hành, nhất là Luật Điện lực và Luật Giá", lãnh đạo Bộ này nhấn mạnh.

bo truong nguyen hong dien,  dieu hanh gia dien,  evn thua lo anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói EVN sẽ hết lỗ nếu giá điện được xóa bỏ bù chéo, tính đúng và đủ giá thành điện năng. Ảnh: Quochoi.

Hiện nay, điện một là trong những mặt hàng phải đảm bảo bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước. Ở đầu vào, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán điện và cung ứng điện để đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia.

Song, dù phải mua điện với cơ chế giá thị trường, EVN lại phải đảm bảo bình ổn giá đầu ra. Yêu cầu này khiến giá mua vào và bán ra của EVN đã chênh lệch tới 208-216 đồng/kWh.

Để EVN không lỗ trong tương lai, Bộ Công Thương đang tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Điện lực và sẽ trình trong kỳ họp Quốc hội tháng 10 theo hướng xóa bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện; tính đúng, tính đủ, tính hết giá thành điện năng (bao gồm giá sản xuất điện, giá điều độ, vận hành hệ thống điện) để đảm bảo khách quan.

Bộ trưởng Diên cũng tin rằng việc Chính phủ có quyết định đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương sẽ đảm bảo sự minh bạch trong quy trình điều độ, vận hành hệ thống điện giữa các doanh nghiệp phát điện lẫn đối tượng sử dụng điện.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp với các khách hàng sử dụng điện lớn cũng như sắp ban hành nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái. Những chính sách này sẽ từng bước giúp thị trường điện hoàn hảo hơn.

Bộ trưởng đánh giá thị trường phát điện cạnh tranh và mua điện cạnh tranh đã được thực hiện tương đối tốt. Còn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện luật hiện hành.

Rủi ro nếu tăng tỷ trọng điện tái tạo

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) băn khoăn việc Nhà nước không có chính sách thu mua điện từ phần dôi dư của các hộ gia đình để tránh lãng phí chi phí đầu tư điện mặt trời của người dân, đồng thời giảm tiêu thụ nguồn điện quốc gia.

Trả lời thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Chính phủ sắp ban hành chính sách khuyến khích điện mặt trời áp mái.

"Chúng ta cần biết hệ thống điện muốn an toàn và ổn định thì trong cơ cấu các nguồn điện, điện mặt trời và điện gió góp phần phủ định, tức chỉ chiếm tỷ trọng 20-25% trong tổng công suất các nguồn điện. Có vậy mới phù hợp với điều kiện về mặt năng lực, kỹ thuật và kinh tế của chúng ta", Bộ trưởng giải thích.

Người đứng đầu ngành công thương đồng thời nhấn mạnh nếu không có nguồn điện nền ổn định ở mức 75-80%, hệ thống điện sẽ đứng trước rủi ro.

"Riêng hệ thống điện không cho phép sai sót. Sai sót 1 lần là trả giá đến bao giờ cho kể", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Thời gian qua, thực hiện quy hoạch điện VII, điện VII điều chỉnh và bây giờ là quy hoạch điện VIII, Chính phủ đã quy định tổng công suất hệ thống là 150.589 MW. Trong đó, điện mặt trời và điện gió đã được ấn định ở mức 27%, được đánh giá tương đối cao.

Riêng hệ thống điện không cho phép sai sót. Sai sót 1 lần là trả giá đến bao giờ cho kể

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Trước mong muốn phát triển mạnh hơn điện mặt trời, nhất là điện mặt trời áp mái ở phía Nam và Nam Trung Bộ của nhiều địa phương, cử tri, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng và ban hành nghị định về phát triển điện mặt trời áp mái.

Theo đó, tạo cơ chế mua tối đa 20% công suất của mỗi hạng mục công trình để đảm bảo nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo, vừa để khuyến khích người dân đầu tư vừa giảm đầu tư của Nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Diên lưu ý ở khía cạnh khác, đây là thách thức, rủi ro lớn cho an toàn hệ thống điện. Vì nguồn điện nền hiện nay không thay đổi, giờ nâng tỷ trọng điện mặt trời và điện gió sẽ gây mất cân đối cơ cấu các nguồn điện, khiến hệ thống điện cũng như lưới điện cơ sở chịu rủi ro.

Một mặt tiếp thu ý kiến địa phương và cử tri, một mặt Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh phải tôn trọng yếu tố kỹ thuật, chứ không thể đáp ứng nhu cầu một cách đơn thuần.

"Ngay cả quy định trong nghị định mới là mua 20% công suất, chúng tôi cũng phải đặt ra các cơ chế, điều kiện ràng buộc cần thiết để tránh tình trạng trục lợi chính sách và làm sập hệ thống điện", tư lệnh ngành khẳng định.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bài liên quan

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm