Chiều ngày 15/2, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đã có chia sẻ với báo chí liên quan tới những bất ổn trên thị trường xăng dầu vừa qua.
Theo đó, nhiều ý kiến phản ánh sau đợt xăng tăng giá ngày 11/2, vẫn còn hiện tượng bán nhỏ giọt, cây xăng không có hàng để bán, ông Đông cho biết tình hình trong vài ngày tới và 1-2 tuần nữa hàng sẽ về nhiều hơn.
Hài hòa lợi ích
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết cơ quan phải điều hành giá bám với các quy định hiện hành, nhất là nghị định về kinh doanh xăng dầu. Nghị định 95 đã rút ngắn điều hành từ 15 ngày xuống còn 10 ngày để bám sát hơn giá thế giới.
Trong Nghị định này cũng có điều khoản với trường hợp ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội thì báo cáo Thủ tướng cho phép điều hành sớm hơn.
"Tuy nhiên Chính phủ và cơ quan điều hành bao giờ cũng đặt mục tiêu giữ bình ổn giá trong thời điểm đặc biệt trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Nghĩa là phải có đủ thời gian cho người dân, hỗ trợ cho các đối tượng khác", ông lý giải.
Hiện, giá xăng RON 95 đã tăng lên mức 25.320 đồng/lít. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, với chu kỳ điều chỉnh 10 ngày/lần, Liên Bộ Công Thương - Tài chính tính toán cũng phù hợp với tập quán kinh doanh, chu kỳ hàng của các doanh nghiệp, chu kỳ để tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và đủ thời gian để cơ quan quản lý Nhà nước cập nhật dữ liệu.
"Chính phủ, cơ quan điều hành cũng mong doanh nghiệp thông cảm, chia sẻ bởi khi điều hành giá phải cân nhắc rất nhiều yếu tố từ lợi ích của doanh nghiệp, người dân, mục tiêu quản lý CPI và mục tiêu vĩ mô của Nhà nước", ông nói.
Giá điều hành chưa có lợi cho doanh nghiệp
Theo ông Đông, quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tất cả các khâu, từ thương nhân đầu mối, phân phối đến cửa hàng bán lẻ nếu có hành vi găm hàng chờ tăng giá.
Bộ trưởng cũng đã lập 3 đoàn kiểm tra ở cấp Bộ và ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp với công an, Ban 389, Quản lý thị trường…
Chính phủ, cơ quan điều hành cũng mong mọi người thông cảm, chia sẻ bởi khi điều hành giá phải cân nhắc rất nhiều yếu tố từ lợi ích của doanh nghiệp, người dân, mục tiêu quản lý CPI và mục tiêu vĩ mô của nhà nước.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
Ở góc độ doanh nghiệp, cũng phải chia sẻ vì nguồn cung đứt gãy cục bộ do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất và giá dầu thế giới liên tục tăng rất mạnh.
"Doanh nghiệp nhập hàng về là lỗ. Đến thời điểm này, có thể nói giá điều hành chưa hoàn toàn có lợi cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với các mục tiêu quản lý vĩ mô của Nhà nước, với lợi ích của 100 triệu dân", ông Đông nhìn nhận.
Nguyên tắc chung của Bộ Công Thương là yêu cầu doanh nghiệp làm đúng các quy định về dự trữ, bán hàng và không có tâm lý bán hàng, hạn chế bán ra.
Ông Đông khẳng định là hiện nay tình hình cung ứng xăng dầu có tốt hơn so với cách đây khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, việc thiếu hụt xăng dầu cục bộ chưa hoàn toàn được khắc phục.
Bộ Công thương khẳng định tổng nguồn cung xăng dầu đầy đủ cho tổng cầu nền kinh tế. Ảnh: Duy Hiệu. |
"Hiện nay, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn mới vận hành được 55% công suất, hàng vẫn chưa được bổ sung kịp thời nên một số cửa hàng, một số thương nhân và một số nơi có thể thiếu hàng cục bộ", ông nói.
Bộ Công Thương đã tính các phương án, hài hòa sử dụng Quỹ bình ổn giá Tính tổng thể Quỹ BOG có doanh nghiệp âm, có doanh nghiệp dương. Trong thời gian tới, nếu diễn biến giá quá cao, quá phức tạp, ví dụ giả sử giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới cả kinh tế thế giới thì chắc chắn phải đề xuất sử dụng các công cụ khác là thuế, phí.