Bộ Công Thương vừa tiến hành cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng. Con số này chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Công Thương quản lý. Trong thông cáo phát đi, bộ này coi đây là bước đi lịch sử chưa từng có.
Ý chí của Chính phủ kiến tạo, cải cách
Trao đổi với Zing.vn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng hành động cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh của Bộ Công Thương là một tín hiệu tích cực. Ông Tuấn nhấn mạnh các doanh nghiệp có cơ sở để tin vào một sự cải cách, chuyển động mạnh mẽ của ngành công thương trong thời gian tới.
"Chưa có ngành nào đưa ra một kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh cụ thể, chi tiết và rất mạnh mẽ như vây. Nếu các bộ khác cùng tiếp bước với Bộ Công Thương thì chắc chắn môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ có sự thay đổi rất lớn", ông Đậu Anh Tuấn cho biết thêm.
Trưởng Ban pháp chế VCCI mong rằng kế hoạch này của Bộ Công Thương sẽ được thực hiện thành công.
Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương Lê Đăng Doanh hoan nghênh quyết định mà ông gọi là "lịch sử" của Bộ Công Thương.
Theo ông Doanh, cộng đồng doanh nghiệp đã có ý kiến rất nhiều về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Quyết định của Bộ Công Thương thể hiện tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Doanh cũng cho biết cộng đồng doanh nghiệp đang phải tốn nhiều khoản chi phí "bôi trơn" với những điều kiện kinh doanh phức tạp. Việc cắt giảm thủ tục sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, qua đó đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
"Tôi tin rằng Bộ Công Thương đi đầu trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ là điển hình tiên tiến để các bộ khác noi theo trong thời gian tới", ông Doanh nhấn mạnh.
55,5% điều kiện đầu tư, kinh doanh của Bộ Công Thương sẽ được cắt bỏ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cắt giảm hơn một nửa điều kiện kinh doanh
Theo Bộ Công Thương, sau khi tiến hành rà soát là 1.216 điều kiện đầu tư, kinh doanh của 27 ngành, nghề (chưa tính đến ngành nghề sản xuất, nhập khẩu ôtô là ngành nghề thứ 28), đã cắt giảm 55,5%.
Như vậy, sau khi cắt giảm, tổng số điều kiện còn lại thuộc ngành công thương chỉ còn 541.
Trước đó, vào tháng 10/2016, Bộ Công Thương cũng tiến hành một đợt cắt giảm các thủ tục hành chính theo quyết định số 4846. Theo đó, Bộ này bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục (tương đương 27,8%).
Tuy nhiên, trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát thì có 10 ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm. Các ngành nghề gồm: kinh doanh ngành nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dịch vụ nổ mìn; xuất khẩu gạo; tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thống kê điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương. Đồ họa: Hiếu Công. |
Ngoài ra còn có: tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa đã qua sử dụng; kinh doanh khoáng sản; hoạt động mua bán hàng hóa và mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI; hoạt động dầu khí; kiểm toán năng lượng, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; sản xuất, gia công quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài.
17 ngành, nghề kinh doanh còn lại đề xuất cắt giảm gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).
Theo thống kê trước đó của VCCI và Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương là nơi có nhiều điều kiện kinh doanh nhất trong số các bộ ngành.
Giảm 58% lượng mặt hàng phải kiểm tra thông quan
Bộ Công Thương cho biết đã giảm được trên 58% lượng mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan. Ngoài ra còn xóa bỏ độc quyền, xã hội hóa công tác kiểm tra.
Đối với thủ tục dán nhãn tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương cho phép các tổ chức thử nghiệm trong nước và nước ngoài (bao gồm cả tổ chức thử nghiệm độc lập và phòng thử nghiệm của nhà sản xuất), nếu đáp ứng các điều kiện luật định, đều được tham gia kiểm tra, đánh giá.
Việc bãi bỏ thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde đối với vải, sợi, bán thành phẩm và sản phẩm mẫu đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 1,5 triệu đồng cho mỗi lần kiểm nghiệm mẫu và rút ngắn được thời gian thông quan từ 2,4 đến 3,8 ngày.
Đối với thực phẩm, Bộ Công Thương chỉ định đã áp dụng quy trình kiểm tra giảm cho 2.325 lô hàng đủ điều kiện, giúp doanh nghiệp giảm thời gian thông quan trung bình từ 12 ngày làm việc xuống còn 2 ngày làm việc.
Đối với thép, Bộ Công Thương đã áp dụng quy trình kiểm tra giảm đối với các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định về quản lý chất lượng. Quy trình kiểm tra giảm giúp doanh nghiệp giảm được thời gian thông quan từ 3 đến 4 ngày, đồng thời giảm được khoảng 2 triệu chi phí thử nghiệm cho mỗi lô hàng.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo.