Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công an trả lời về đề án 600 tỷ lắp camera trên quốc lộ, cao tốc

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết việc chi 600 tỷ đồng để lắp đặt camera sẽ giúp lực lượng công an quản lý và xử phạt các phương tiện vi phạm hiệu quả hơn.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trả lời báo chí về tiến trình thực hiện đề án lắp đặt hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm giao thông trên phạm vi cả nước.

600 ty lap camera tren cao toc anh 1
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương tại buổi họp báo. Ảnh: Sơn Hà.

Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng đề án này là đòi hỏi cấp bách trong quá trình cải cách hành chính, đơn giản hóa các hoạt động hành chính Nhà nước, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.

Trước đó, Chính phủ đã đồng ý giao cho Bộ Công an lập đề án đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy xử lý vi phạm giao thông trên toàn quốc.

Ông Vương cho biết Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT, các đơn vị liên quan xây dựng đề án này. Trước mắt sẽ cho lắp đặt camera trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ 1. Tuy nhiên, tính khả thi của dự án vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

"Tổng mức đầu tư cho dự án bước đầu là khoảng 600 tỷ đồng, đang trong thời điểm nghiên cứu để xây dựng dự án", Thứ trưởng Lê Quý Vương nói và cho biết Bộ Công an sẽ tập trung thực hiện dự án để đảm bảo các quy định về luật Đầu tư công, luật Tài chính Ngân sách, luật Vi phạm hành chính cho đề án này.

"Dự án này rất tốt cho công tác kiểm soát an toàn giao thông và các hoạt động của lực lượng trên các tuyến giao thông", thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 12 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu lập đề án đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm trên địa bàn cả nước từ năm 2022.

Bộ Công an được yêu cầu lập đề án đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông trên cả nước; xây dựng và vận hành Trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông đảm bảo kết nối và xử lý dữ liệu camera từ các cơ quan, tổ chức khác để phục vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông gắn với an ninh trật tự.

Trước mắt, đến năm 2020 triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và tiến tới triển khai trên toàn quốc từ năm 2022.

Sơn Hà - Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm