Một ngôi đền trong khu thành cổ Hatra ngày nay. Ảnh: AP |
Các nhà khoa học ngày nay ghi nhận khoảng 1.000 loại bọ cạp khác nhau, chỉ 25 loại trong số này có nọc với độc tính cao. Loại nguy hiểm nhất là Deathstalker, sống rải rác từ Bắc Phi tới Trung Đông.
Nọc của Deathstalker chứa nhiều chất độc thần kinh. Cú chích của nó rất đau nhưng lượng độc chưa đủ khiến một người trưởng thành khỏe mạnh tử vong. Đối tượng dễ tổn thương với nọc này là trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh tim hoặc dễ bị dị ứng.
Từ thời cổ xưa
Theo Daily Mail, những nền quân đội cách đây khoảng 2 thiên niên kỷ đã sử dụng bọ cạp như vũ khí sinh học để triển khai trong các trận chiến. Những người đầu tiên sử dụng "bom bọ cạp" là quân đội Iraq trong cuộc chiến bảo vệ thành Hatra năm 198 - 199 sau Công Nguyên trước sự vây hãm của quân đội La Mã. Bọ cạp sinh sống rất nhiều quanh thành phố vùng sa mạc này.
Trong một quyển sách xuất bản năm 2004, nhà sử học Adrienne Mayor (Mỹ) cho biết, các binh sĩ Iraq dùng que xiên qua phần đuôi của bọ cạp Deathstalker để khiến nó tê liệt và hoạt động chậm lại. Sau đó, họ bỏ con vật vào bình gốm rồi đậy chặt nắm để nó không thoát ra ngoài. Khi ra trận, họ ném các bình về toán lính La Mã do hoàng đế Septimius Severus lãnh đạo.
Vũ khí này nhanh chóng tỏ ra hiệu quả khi binh sĩ đối phương hoảng loạn trước hàng nghìn con bọ cạp. "Con vật rơi xuống thân thể binh sĩ. Chúng sẵn sàng chích vào tất cả bộ phận mà áo giáp không che chắn hết. Ngay trước khi đối phương kịp nhận thức chuyện gì đang xảy ra, họ đã bị hàng loạt cú chích đau đớn và cực độc", nhà sử học Herodian thời La Mã ghi nhận, theo trang NPR.
Đoàn quân La Mã do bất ngờ trước vũ khí kỳ lạ, đồng thời không chuẩn bị các biện pháp giải độc từ trước. Do vậy, hoàng đế Severus phải ra lệnh rút quân sau 20 ngày bao vây mà không thể chiếm Hatra.
"Sự hiệu quả trong việc sử dụng vũ khí sinh học để phòng vệ của thành Hatra đã vượt qua tinh thần kỷ luật, sức mạnh và vũ khí của quân đội La Mã. Trong chiến thuật này, sự kinh hãi đã chứng tỏ sức tác động của nó", bà Mayor nhận định.
Đến thời hiện đại
Phiến quân IS sử dụng bọ cạp để gieo rắc nỗi sợ hãi. Ảnh: Mirror |
Tháng 12/2014, truyền thông phương Tây ghi nhận các chiến binh thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã áp dụng phương pháp tương tự của những binh sĩ Iraq cổ đại khi sử dụng bọ cạp nhằm lây lan sự sợ hãi cho người dân.
Giới chức Iraq cho biết, những vụ tấn công bằng bọ cạp diễn ra chủ yếu tại các ngôi làng và thị trấn ở khu vực bắc Iraq mà IS muốn chiếm đóng, bao gồm Sinjar, Qaim, Ramadi, Mosul và Samarra.
Ông Hamish de Bretton-Gordon, chuyên gia về vũ khí hóa học và sinh học của NATO, cho biết phiến quân IS đã chế tạo những dụng cụ phóng "bom bọ cạp" về phía ngôi làng. "Con vật vẫn hoạt động rất khỏe dù chúng được phóng từ khoảng cách rất xa. Khi chiếc hộp rơi xuống mặt đất và vỡ, hàng nghìn con sẽ tràn ra ngoài và bắt đầu bò khắp nơi", ông nói với tờ The Mirror.
Vị chuyên gia nhận định: "Một số loại bọ cạp rất độc. Tuy nhiên, chiến thuật chính của phiến quân là lây lan nỗi sợ hãi". Ông Bretton-Gordan đã đến thủ đô Baghdad cuối năm 2014 để tư vấn cho quân đội Iraq về cách đối phó với vũ khí sinh học này của Iraq. Ông cho rằng: "Bom bọ cạp tuy không gây ra thương vong nghiêm trọng, nó có tác động tâm lý rất đáng kể".