Vĩnh Lạc đại điển được áp dụng kỹ thuật khôi phục ba chiều để hiển thị một cách sinh động cách đóng gáy, bố cục của bộ sách. |
Theo China Daily, nội dung của 1.800 cuốn sách trong bộ sưu tập Vĩnh Lạc đại điển (Yongle Encyclopedia) của Thư viện Quốc gia Trung Quốc đã được số hóa và công bố rộng rãi đến công chúng vào cuối tháng 2 vừa qua.
Vĩnh Lạc đại điển do Hoàng đế Vĩnh Lạc ủy quyền vào năm 1403, đã thu thập hơn 7.000 loại sách và ghi chép cổ xưa của Trung Quốc, bao gồm văn học, nghệ thuật, lịch sử, địa lý, triết học và tôn giáo từ thời tiền Tần (trước năm 221 trước Công nguyên) đến đầu thời nhà Minh (1368-1644).
Với tổng số 11.095 tập và khoảng 370 triệu ký tự, Vĩnh Lạc đại điển được Encyclopedia Britannica ca ngợi là "bộ bách khoa toàn thư lớn nhất thế giới". Trong nỗ lực bảo vệ bộ sưu tập nổi tiếng thế giới này, Hoàng đế Gia Tĩnh của triều đại nhà Minh đã ra lệnh ghi chép lại tác phẩm kinh điển này. Công việc sao chép mất năm năm để hoàn thành.
Mặc dù được bảo vệ tỉ mỉ, những cuốn sách sao chép bằng tay đã dần bị thất lạc trong suốt chiều dài lịch sử. Ngày nay, chỉ còn hơn 400 tập và một vài phần của Vĩnh Lạc đại điển còn sót lại trên thế giới, tức là ít hơn 4% so với bộ sưu tập sách gốc.
Trong một buổi đấu giá vào tháng 7/2020 do Beaussant Lefèvre tổ chức, hai quyển hiếm trong bộ Vĩnh Lạc đại điển đã được bán với giá hơn 9 triệu USD, cao gấp 1.000 lần so với giá dự kiến cho thấy độ quý hiếm và giá trị cực cao của những gì còn sót lại.
Hai tập sao của Vĩnh Lạc đại điển được bán đấu giá hồi tháng 7/2020. Ảnh: Beaussant Lefèvre. |
Sử dụng công nghệ tiên tiến, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực đưa văn học cổ điển trở lại cuộc sống hàng ngày. Vào năm 2022, chính quyền Trung Quốc đã ban hành một bộ hướng dẫn, hứa hẹn những nỗ lực lớn hơn để số hóa sách cổ và khuyến khích các thư viện và kho lưu trữ mở các bộ sưu tập và tài nguyên kỹ thuật số của họ cho công chúng.
Cơ sở dữ liệu hình ảnh Yongle Canon HD đã được Thư viện Quốc gia Trung Quốc tại Bắc Kinh công bố vào tháng 2 vừa qua. Công chúng và các nhà nghiên cứu có thể truy cập miễn phí để tham khảo bách khoa toàn thư cổ đại vĩ đại này. Cơ sở dữ liệu do Nhà xuất bản Thư viện Quốc gia Trung Quốc và Trung tâm Nghiên cứu Nhân văn Kỹ thuật số của Đại học Bắc Kinh hợp tác phát triển.
Theo Wei Chong, giám đốc Nhà xuất bản Thư viện Quốc gia Trung Quốc, dựa trên những hình ảnh có độ phân giải cao, cơ sở dữ liệu sử dụng các kỹ thuật GIS và kỹ thuật khôi phục ba chiều để hiển thị một cách sinh động cách đóng gáy, bố cục của bộ sách cũng như vị trí của các tập sách đang tồn tại trên thế giới.
Tương tự, những bộ sách quý hiếm khác của Trung Quốc cũng đang được tiến hành số hóa như bộ Tứ khố toàn thư nhằm bảo tồn những bản sao có giá trị này.
"Chuyển đổi kỹ thuật số là xu hướng của thời đại. Sách cổ sẽ được tích hợp với các phương tiện truyền tải văn hóa khác trong không gian kỹ thuật số, cho phép công chúng hiểu được bức tranh tổng thể về văn hóa truyền thống thông qua các hình thức kỹ thuật số khác nhau", Liang Jihong, Giám đốc kỹ thuật số văn phòng nghiên cứu và giáo dục nhân văn tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết.