Trên thị trường hiện nay, MacBook Air dùng chip Apple M1 đang là một lựa chọn hấp dẫn với hiệu năng ổn, pin tốt cùng mức giá chưa đến 20 triệu đồng.
Ở chiều ngược lại, Táo khuyết cũng có hai mẫu MacBook Pro 14 và 16 inch với thiết kế tối ưu cho các tác vụ yêu cầu hiệu năng cao, đồng thời cũng được tối ưu năng lượng rất tốt, cùng mức giá tùy cấu hình có thể từ 50 tới hơn 100 triệu đồng.
Trong tầm giá đó, tất nhiên mẫu MacBook Pro 16 inch 2023 dễ dàng đáp ứng mọi nhu cầu của tôi. Sau hơn 2 tháng sử dụng, chiếc MacBook thuyết phục tôi về mặt hiệu năng, nhất là khả năng chạy tối đa dù không cắm sạc và mức tỏa nhiệt chỉ tương đương iPhone khi chơi game nặng. Dù vậy, trải nghiệm MacBook cũng có những điểm khiến tôi "nhớ" máy Windows.
Mạnh như máy bàn nhưng "mát" như iPhone
Chiếc MacBook tôi sử dụng là mẫu Pro 2023 16 inch, với chip M2 Pro 12 nhân, 32 GB RAM và 2 TB SSD. Tuy có khác biệt lớn về nền tảng, hệ điều hành, điểm số benchmark vẫn là cơ sở để so sánh hiệu suất giữa các thiết bị. Mẫu MacBook Pro 2023 đạt 2.650 điểm đơn nhân ở ứng dụng Geekbench. Trong khi đó, mẫu CPU Intel đầu bảng của Intel là i9 13980 HX chỉ có 2.139 điểm ở cùng bài kiểm tra.
Với chỉ 12 nhân, bộ xử lý M2 Pro vẫn thu về khoảng 14.400 điểm xử lý đa nhân, kém hơn mức 21.000 điểm của i9 đời 13. Tuy nhiên, số nhân xử lý của 13980 HX lại gấp đôi con chip từ Apple.
Chip M2 Pro đạt điểm số cao trong các bài kiểm tra hiệu suất. Ảnh: Xuân Sang. |
Tương tự với Cinebench R23, vi xử lý M2 Pro duy trì ổn định mức điểm ở khoảng 1.600 điểm đơn nhân và 14.000 điểm đa nhân. Trong suốt quá trình, con chip Apple chỉ tiêu tốn tối đa khoảng 45 W điện, ổn định tại khoảng 40 W. Xung nhịp M2 Pro cũng được giữ tại khoảng 3,3-3,5 GHz, của 8 nhân hiệu suất cao.
Khi bị ép chạy ở mức tối đa, tiếng quạt bên trong chiếc MacBook Pro 2023 vẫn ở mức êm dịu, không tạo ra tiếng ồn lớn. Đây là khác biệt lớn so với mẫu MacBook Pro 13 inch dùng chip Intel mà tôi từng dùng năm trước. Vỏ máy chủ yếu ấm lên ở sát màn hình, gần khe tản nhiệt, nhưng khác biệt không đáng kể, ít ảnh hưởng đến trải nghiệm.
Ngay cả sau 10 lần chạy thử Cinebench liên tục, chiếc máy vẫn đảm bảo được hiệu suất ổn định như lần đầu. Dùng súng bắn nhiệt kiểm tra, khu vực nóng nhất của máy cũng chỉ khoảng 42-45 độ C, tương đương khoảng nóng nhất của một chiếc iPhone khi chơi game bằng mạng di động.
Hoạt động bình thường khá mát mẻ, nhưng chiếc MacBook lại đem lại trải nghiệm không dễ chịu khi sạc. Củ sạc theo máy có công suất 140 W, và mỗi khi cắm thì nóng ran ở hầu hết mặt bàn phím và kê tay, khiến tôi không muốn sử dụng trong những ngày nóng nực vừa qua.
Mức công suất cao giúp máy sạc nhanh hơn, nhưng tôi cũng không thường xuyên cần sạc quá nhanh trừ khi đi công tác. Chiếc MacBook đem lại cảm giác như một chiếc điện thoại, không nên sử dụng khi vừa sạc vừa dùng. Trải nghiệm này trái ngược hẳn chiếc máy tính Windows, khi mà tôi thường phải cắm sạc để đạt hiệu năng tối đa mỗi khi cần.
Khi chạy đa nhân, CPU có thể đạt 99 độ, nhưng mức điện chỉ xung quanh 40 W. Ảnh: Xuân Sang. |
Một điểm khiến tôi khá băn khoăn là nhiệt độ bên trong vi xử lý, theo dõi bằng phần mềm chuyên dụng. Khi xử lý nặng, app báo mức gần 100 độ C trên các nhân hiệu suất cao. Đây là mức throttling (quá nhiệt, giảm hiệu suất) trên các dòng chip kiến trúc x86, nhưng M2 Pro vẫn hoạt động ổn định tại điểm nhiệt này.
Ngoài ra, bản 16 inch tôi đang sử dụng sẽ có hiệu suất duy trì tốt hơn một chút so với model 14 inch cùng cấu hình. Không gian rộng trong thân máy giúp tản nhiệt thụ động tốt hơn. Khe tản nhiệt lớn cũng hỗ trợ dòng khí đối lưu tốt hơn.
Trong khi đó, để một con chip Intel hoặc AMD, bản dành cho laptop, có thể đạt được hiệu suất tương đương, chúng phải sử dụng rất nhiều năng lượng, lên đến trên 100 W. Laptop Windows cũng luôn cần bộ nguồn rất lớn để cung cấp đủ điện. Đi kèm với đó là mức nhiệt lượng cao, yêu cầu bộ quạt tản hầm hố, chiếm diện tích trong thân máy.
Một điểm cộng lớn khác của MacBook dùng chip Apple Silicon là thời lượng pin sử dụng thực tế. Trong suốt quá trình sử dụng, máy thường xuyên làm việc được 8-9 giờ cho mỗi lần sạc dù tần suất sử dụng cao. Điều đó có nghĩa là với những ngày họp nhiều, không làm việc liên tục trên máy tính, tôi còn không cần cắm sạc.
Không phải người dùng "chuyên nghiệp" nào cũng hợp với MacBook Pro
Hướng đến người dùng làm việc, MacBook Pro của Apple không có tập khách hàng như các mẫu workstation Windows. Các máy tính “nồi đồng cối đá” của Lenovo (IBM) hay HP hướng đến người làm xây dựng, dầu khí, cơ khí… với các phần mềm chuyên dụng. MacOS vốn không mạnh ở mảng này. Bên cạnh đó, nhóm làm việc về tài chính, kế toán và cần thường xuyên dùng phần mềm Excel cũng sẽ lựa chọn nền tảng Windows.
Mẫu MacBook Pro thiên về công việc cho người sáng tạo nội dung, làm phim, sản xuất âm nhạc… So với giai đoạn mới được trình làng, số ứng dụng tương thích với nền tảng vi xử lý ARM đã tăng lên đáng kể. Trong đó có bộ phần mềm Adobe tôi vẫn thường xuyên sử dụng. Photoshop, Lightroom Classic hay Premiere Pro hiện có thể chạy trên MacBook Pro 2023 mà không cần trình giả lập.
MacBook Pro 2023 phù hợp với người dùng làm trong lĩnh vực sáng tạo. Ảnh: Xuân Sang. |
Bộ công cụ Adobe có tính năng Link, cùng xử lý trên nhiều app. Tuy nhiên, những chiếc laptop Windows tôi từng sử dụng trước đây không đủ mạnh và tối ưu cho công cụ này. Trên máy Mac M2 Pro, tôi dễ dàng xử lý một một phần hiệu ứng cho dự án Premiere Pro trên After Effect hoặc làm các thủ thuật nâng cao trong Photoshop, cùng lúc sửa ảnh bằng Lightroom.
Bạn tôi, vốn là người dựng phim chuyên nghiệp ngụ tại TP.HCM cho biết hiệu suất làm việc tăng lên khoảng 40% từ lúc đổi lên dùng mẫu MacBook Pro 2023. Không chỉ thời gian kết xuất (render), thao tác trên ứng dụng cũng mượt mà, ổn định và nhanh chóng hơn hẳn.
Các hiệu ứng 3D không quá phức tạp, xử lý nhiễu hạt hay làm màu 10 bit đều có thể được thực hiện trên mẫu MacBook này, thay vì máy trạm chuyên dụng.
Ngoài phần cứng, Apple cũng tạo ra nhiều phần mềm phụ trợ như Final Cut Pro cho dựng phim, Logic để làm nhạc. So với các app khác, phần mềm "chính chủ" của Apple được tối ưu tốt hơn. Tuy nhiên sức mạnh của con chip Apple M2 giúp cho sự tối ưu này không quá cần thiết.
Ngoài ra, sự khác biệt của MacBook Pro 2023 nằm ở việc tối ưu năng lượng. Tôi có thể hoàn thành tất cả công việc nói trên với pin của máy, không cần cắm nguồn. Các laptop Windows sẽ chỉ hoạt động ở hiệu năng cao nhất khi cắm sạc. Chính điều này biến mẫu MacBook thành workstation di động đúng nghĩa.
Điều khiến tôi "nhớ" laptop Windows
Đổi lại, khả năng chơi game của thiết bị rất hạn chế. Trò chơi tối ưu tốt nhất cho chiếc máy này là Resident Evil Village. Trò chơi này chạy được ở khoảng 60-70 fps, trên màn hình độ phân giải cao của MacBook Pro 16 inch. Đây cũng là tựa game AAA hiếm hoi được phát triển để khai thác thư viện đồ họa Metal Apple phát triển.
Dota 2, CS:GO hay Liên Minh Huyền Thoại cũng là những game eSports chơi được trên MacBook. Tuy nhiên, số lượng trò chơi có trên máy tính Apple vẫn rất khiêm tốn khi so sánh với Windows, nhất là khi Microsoft đã có gói PC Game Pass với hàng chục trò chơi trên nền tảng của mình.
Chơi game vẫn là điểm trừ lớn của MacBook. Ảnh: Xuân Sang. |
Đây là điểm yếu chưa thể sớm khắc phục bởi các nhà phát triển trò chơi vẫn đang dùng Open GL hoặc thư viện Direct từ Microsoft để xây dựng game.
Tôi có vài lần chơi thử Liên Minh Huyền Thoại trên máy, game chạy ổn ở mức thiết lập cao, tốc độ khung hình 80-100 fps, giảm xuống 60 khi vào giao tranh. Tuy nhiên, game phải chạy qua trình phiên dịch Rosetta 2, nên máy rất nóng và hao pin. Một trận đấu có thể khiến MacBook Pro 16 inch mất 30% pin, bằng 3-4 giờ làm việc nặng.
Việc thiếu thốn các cổng USB-A cũng là điểm trừ cần nhắc đến. Đây vẫn là kết nối thông dụng, được sử dụng cho nhiều phụ kiện, thiết bị chuyên dụng, phục vụ công việc.
Sau thời gian sử dụng, tôi nhận thấy MacBook Pro 2023 như câu trả lời "tất cả trong một" của Apple, thay vì phân vân theo mục đích sử dụng như laptop Windows.
Trong thế giới Windows, laptop pin tốt, mỏng nhẹ như Dell XPS, LG Gram thường bị hạn chế về hiệu năng. Ngược lại, dòng gaming hầm hố gồm Asus ROG hay Alienware có kích thước lớn, cục sạc nặng, thiếu tính di động.
Thực tế là với kích thước 16 inch, MacBook Pro 2023 vẫn là chiếc laptop to, dày và nặng. Khi sử dụng chiếc máy, tôi xác định nó sẽ không thể mang đi mọi nơi tiện như MacBook Air hoặc Pro 13 inch.
Hiệu năng của máy vượt trội và có thể đạt mức tối đa mà không cần pin, nhưng nếu chỉ có một máy tính duy nhất thì đây sẽ không phải lựa chọn tốt nhất với người thường xuyên di chuyển. Với nhu cầu này, có lẽ tôi sẽ cân nhắc MacBook Pro 14 inch hoặc một số mẫu Windows đã nói ở trên.
Nếu muốn cân bằng giữa công việc và chơi game với chi phí 80 triệu, lựa chọn khả dĩ của tôi là tự lắp một dàn máy với CPU i7 đời mới và card đồ họa RTX 4090. Hiệu năng chỉnh sửa ảnh, video có thể kém một chút so với mẫu MacBook, nhưng trải nghiệm chơi game sẽ vượt trội.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn.