Phương pháp câu dây giúp màn hình hiển thị, nhưng không ổn định. Ảnh: DTV. |
Gần đây, giới sửa chữa điện thoại tại Việt Nam tìm được cách giúp màn hình bị hỏng của iPhone 13 Pro/Pro Max hiển thị trở lại. Thay vì chi 7-9 triệu đồng cho việc thay thế linh kiện chính hãng, giải pháp thô sơ có thể hỗ trợ người dùng gặp vấn đề với chi phí thấp.
Đổi lại, việc đấu nối dây đồng trên màn hình khiến thiết bị mất bảo hành, không sử dụng được tính năng quan trọng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác. Đây là giải pháp xử lý tạm thời, không đảm bảo ổn định trọn đời.
Hao pin, mất 120 Hz
Xuất hiện từ giữa 2022, đến nay Apple vẫn chưa thừa nhận vấn đề lỗi màn hình của phiên bản Pro/Pro Max trên thế hệ iPhone 13. Do đó, nguyên nhân gây ra việc trắng, xanh, tím màn hình sản phẩm không được hãng xác nhận.
Ông Phú Thịnh, chuyên viên sửa chữa của hệ thống Điện Thoại Vui phán đoán nguyên nhân vấn đề xuất phát từ tính năng 120 Hz lần đầu xuất hiện trên dòng iPhone 13. “Khi quan sát, sửa chữa, chúng tôi nhận định có thể lỗi xuất phát từ đường mạch 120 Hz. Khi người dùng sử dụng trong thời gian dài, gây quá nhiệt, dẫn đến lỗi mất hiển thị màn hình”, ông Thịnh nói.
Kỹ thuật viên câu dây đồng mảnh vào vị trí mạch ở mặt sau màn hình iPhone 13 Pro Max. Ảnh: DTV. |
Do đó, phương pháp đấu dây, “mượn áp” có thể giúp màn hình hiển thị trở lại. Theo chuyên gia, trong trường hợp trên mainboard có cáp đứt ngầm, làm hỏng linh kiện, kỹ thuật viên có thể dò mạch, câu dây, để hồi phục chức năng của máy. Trong trường hợp này, sợi dây đồng mảnh đóng vai trò truyền dẫn điện, tín hiệu thay cho vị trí gặp vấn đề trên mạch.
Theo ông D.T., thợ sửa điện thoại, ngụ tại TP.HCM, cách sửa chữa bằng phương pháp câu dây đồng sau màn hình được học hỏi từ kỹ thuật viên Trung Quốc.
Tuy nhiên, giải pháp xử lý này khá thô sơ, không hoàn toàn giải quyết được vấn đề. Chiếc iPhone 13 Pro/Pro Max sau khi câu dây màn hình có thể hiển thị trở lại, nhưng tính năng tần số quét cao hoàn toàn biến mất. Đây là nâng cấp quan trọng ở thế hệ này. Việc mất 120 Hz ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm của người dùng.
Mặt khác, phương pháp can thiệp vào bảng mạch màn hình còn gây xung đột tín hiệu giữa phần cứng, hệ điều hành. Do đó, sau khi câu dây, chiếc iPhone bị hao pin hơn, có thể thường xuyên tự khởi động lại.
Các giải pháp khác
Bởi sự thiếu ổn định, phương pháp câu dây nói trên chỉ xử lý tạm thời, khi người dùng cần lấy dữ liệu khỏi máy hoặc sử dụng lúc cấp bách. Ngoài ra, nếu thiết bị còn trong thời hạn hỗ trợ của hãng, khách hàng không nên tìm đến giải pháp này, bởi đây là cách can thiệp gây mất bảo hành.
Loại máy chuyên dụng, có camera phóng đại để ép cổ cáp màn hình. Ảnh: APN. |
Giải pháp có mức độ hiệu quả cao nhất vẫn là thay màn hình chính hãng. Linh kiện mới đảm bảo tương thích và có đầy đủ chức năng. Chi phí hiện ở mức cao, 7-9 triệu đồng, tương đương 1/3 giá trị chiếc máy. Tuy nhiên, thiết bị vẫn có nguy cơ gặp vấn đề trở lại, bởi đây là lỗi tính năng.
Một phương pháp sửa chữa khác là ép cổ cáp. “Thợ sẽ rã phần cổ cáp màn hình, xem qua camera phóng đại để xử lý chuyên sâu vào phần bị hư tổn, giúp hồi phục thiết bị”, ông Thịnh chia sẻ. Cách này vẫn đảm bảo tính năng 120 Hz, không hao tốn pin như câu dây đồng. Giá sửa chữa hiện ở mức 2-3 triệu đồng, tùy đơn vị nhận làm dịch vụ.
Phương pháp này đã xuất hiện nhiều năm, chuyên xử lý vấn đề của màn hình OLED. Cụ thể, lỗi sọc xanh trên iPhone X hay các dòng máy Samsung chủ yếu xuất phát từ vị trí cổ cáp, bởi gián đoạn tín hiệu. Hàn nối chi tiết này giúp khôi phục tính năng màn hình.
Việc can thiệp dạng này cần thiết bị chuyên dụng, kỹ thuật viên tay nghề cao. Do đó, người dùng nên tìm đến cơ sở uy tín, có bảo hành sau sửa chữa để đảm bảo quyền lợi.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn.