Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bỏ 1 tỷ đi Anh vẫn có thể là nạn nhân của tội phạm buôn người

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, kể cả tự nguyện bỏ 1 tỷ để đi Anh trái phép thì họ vẫn là nạn nhân của tội buôn bán người do bị lừa gạt.

Quan điểm này được Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trao đổi với Zing.vn sau khi ông đọc bài viết về quan điểm của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An về vụ 39 người thiệt mạng ở Anh.

Theo đó, thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự về tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép. “Đây không phải là buôn người, vì họ đi ra nước ngoài làm ăn và có nộp tiền. Không ai bỏ ra 1 tỷ để người ta buôn mình cả”, ông Cầu nói.

Phân tích dưới góc độ pháp lý, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đồng tình với việc cơ quan an ninh điều tra khởi tố đối với hành vi “tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Ông cho rằng sau này chứng minh được các hành vi khác có liên quan thì có thể đổi tội danh.

39 nguoi thiet mang o Anh anh 1
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường. Ảnh: Hải Quân.

Nhưng nhắc đến vụ 39 người thiệt mạng ở Anh, Phó chủ nhiệm ủy ban Tư pháp đề cập và lên án đối với cả 2 loại tội phạm: tội mua bán người và tội tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài.

Theo ông, hành vi đáng lên án ở đây không chỉ có ở các đối tượng phạm tội người Việt Nam, mà còn phải lên án cả hành vi của các lái xe người nước ngoài, các đối tượng trong đường dây nước ngoài đang bị phía Anh truy tố theo rất nhiều tội danh, trong đó có tội danh buôn người, là những đối tượng mà trực tiếp gây ra cái chết cho các nạn nhân.

Vấn đề khác, theo ông Cường, 2 loại tội phạm này có liên quan mật thiết đến nhau. Nếu người đưa người khác trốn đi nước ngoài bằng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác để chuyển giao người và nhận tiền thì hành vi đó không còn là hành vi đưa người trốn đi nước ngoài mà đã trở thành hành vi mua bán người, theo Điều 150 BLHS.

Hoặc, đưa người trốn ra nước ngoài nhưng lại chuyển người đó cho đường dây buôn người thì người này sẽ trở thành đồng phạm của tội buôn người.

“Nếu đại biểu Cầu cho rằng không ai bỏ cả tỷ đồng để tự trở thành nạn nhân của tội buôn người, thì tôi e rằng khẳng định này là không chính xác và vô hình trung chúng ta đã bỏ lọt tội phạm này”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Ông nhắc lại chỉ cách đây 2 năm, đã có hàng loạt phóng sự điều tra về đường dây lao động khổ sai ở Nga, trong các “xưởng may đen”.

Theo đó, người lao động bị lừa gạt, bỏ cả tỷ đồng, có người mất cả gia tài để đi xuất khẩu lao động chui ở Nga. Họ đi theo hộ chiếu du lịch, đến nơi bị thu hộ chiếu và phải lao động khổ sai trong các xưởng may ngầm dưới đất, không được ra ngoài.

“Như vậy tức là người lao động hoàn toàn tự nguyện đi, nhưng là do họ bị lừa gạt. Theo đúng quy định tại Điều 150 BLHS thì họ chính là nạn nhân của tội buôn bán người do bị lừa gạt và bị chuyển giao để cưỡng bức lao động”, ông Cường phân tích.

Ông cho biết nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo về thân phận của người nhập cư chui dễ trở thành nạn nhân của tội buôn bán người. Và tội phạm về buôn bán người của Việt Nam về cơ bản cũng thống nhất với quy định của nhiều nước vì Việt Nam cũng đã tham gia các công ước liên quan.

Tạm giữ khẩn cấp 6 người nghi đưa lao động đi Anh trái phép

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An cho biết VKSND cùng cấp đã phê chuẩn việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp với 6 trong 9 trường hợp trên.


Anh Thư

Bạn có thể quan tâm