Bên hành lang Quốc hội sáng 5/11, thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, chia sẻ với báo chí về một số thông tin mới liên quan vụ 39 người thiệt mạng tại Anh, nghi có người Việt Nam.
Theo ông Cầu, tính đến chiều 3/11, cơ quan Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ thêm một người liên quan đến việc đưa người đi Anh trái phép. Như vậy, tổng cộng hiện có 9 người bị bắt giữ.
Không thể chạy theo sức ép
“Tất cả các trường hợp này đều là người Nghệ An, bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp nên chưa công bố quyết định khởi tố bị can, mới khởi tố vụ án. Công an phải tập trung điều tra, làm rõ, khi có đủ căn cứ họ khai nhận hành vi phạm tội mới khởi tố bị can được”, ông Cầu nói và cho biết công an địa phương đang làm việc ngày đêm nhằm giảm bớt đau thương cho gia đình bị hại.
Ông cho biết thêm, hiện phía VKSND cùng cấp đã phê chuẩn việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp với 6 trong 9 trường hợp trên.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An. Ảnh: Hoài Vũ. |
Dù đây là vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm, Công an Nghệ An phải chịu áp lực không nhỏ, tướng Nguyễn Hữu Cầu khẳng định không thể chạy theo sức ép, nếu không sau này không thể xử lý được hậu quả. Vì vậy, vụ việc sẽ được thực hiện đúng luật, Viện kiểm sát sẽ giám sát hết sức chặt chẽ, không phải vì nôn nóng mà “muốn bắt ai thì bắt”.
Giám đốc Công an Nghệ An cũng thông tin về việc trong số các đối tượng bị bắt giữ có cặp vợ chồng (chưa công bố danh tính). Theo đó, người chồng ở Nga, móc nối đưa người sang Nga rồi sang Đức, sau đó qua nước thứ ba. Việc này công an sẽ tiếp tục làm rõ và cần có thời gian.
Bộ Công an chủ động làm, không chỉ chờ phía Anh cung cấp
Sáng nay, thông tin về sự việc, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết phía Anh đã chuyển toàn bộ hồ sơ vân tay cho phía Việt Nam.
Về câu hỏi Công an Nghệ An có sử dụng số hồ sơ vân tay đó để đối chiếu với 21 trường hợp mất tích tại địa phương hay không, tướng Cầu phân tích theo quy định của phía Anh, cảnh sát làm xong rồi chuyển hồ sơ cho toà án, toà xác nhận và ký mới được công khai. Vì thế, quá trình mang hồ sơ vân tay của những nạn nhân nghi sang Anh để làm, ngoài vân tay họ còn nhận dạng qua ảnh và xét nghiệm ADN. Tất cả việc đó sẽ tích hợp lại để khẳng định có nạn nhân người Việt hay không.
“Việc này cần thêm thời gian nữa, đến nay chưa có thông tin chính thức nên không trả lời vu vơ được, vì thông tin đại biểu Quốc hội chuyển đến cho cử tri và báo chí phải chính xác, không suy đoán”, ông Cầu nói.
Ông cũng khẳng định ngay khi nghi có nạn nhân người Việt, Bộ Công an đã chủ động chỉ đạo làm, không phải chỉ chờ bên Anh chuyển về bao nhiêu hồ sơ thì làm bấy nhiêu.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình điều tra, truy xét, bắt giữ các đối tượng đưa người đi nước ngoài trái phép, tướng Cầu cho hay có khó khăn từ phía gia đình bị hại.
Ông nói dù họ rất buồn, rất đau xót nhưng gia đình vẫn mong hy vọng con mình không phải trong số nạn nhân đó, họ sợ cung cấp thông tin ra bên Anh lại trả người về. Bên cạnh đó, có tâm lý mong cứu vãn được thứ gì đó theo kiểu “mất người còn của”, nếu không báo thì bên Anh có thể sẽ trả về cho họ một chút kinh phí.
“Đó là 2 tâm lý chi phối, cũng là tâm lý rất bình thường thôi, vì đó là lợi ích của họ nên có thể gây khó khăn bước đầu cho cơ quan điều tra. Nhưng khi chúng tôi đến, giải thích, vận động, phân tích được hơn thì tất cả gia đình bị hại đều hợp tác”, ông Cầu nói.
Ông cũng giải thích quá trình điều tra các đối tượng nghi vấn, thông tin phải tuyệt mật, chỉ cần lộ ra một chút thì tất cả đánh động, họ bỏ trốn khỏi địa phương. Tới đâu, vụ án sẽ được mở rộng tối đa để làm rõ các đối tượng khác, không để lọt tội phạm mà phải truy đến cùng.