“Việt Nam mong muốn hoan nghênh các sáng kiến liên kết, kết nối ở khu vực, góp phần vào ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả quốc gia, bao gồm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang hình thành”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của Zing về tài liệu "Khung chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Chiến lược này được Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng nghiên cứu xây dựng trong suốt năm 2017. Tài liệu trước đây được xếp vào loại "bí mật" và "không dành cho công dân nước ngoài". Tuy nhiên, tài liệu đã chính thức được giải mật vào tuần trước - sớm hơn 30 năm so với thông thường - và chính thức được công bố trong ngày 13/1.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết lập trường trên cũng được Việt Nam và các nước ASEAN chia sẻ trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Việt Linh. |
Với hơn 10 trang được biên tập lại một phần, tài liệu vạch ra các ưu tiên chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngôn ngữ của tài liệu có thể được coi là nhằm xác nhận với Bắc Kinh việc Mỹ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc.
Chiến lược cam kết "đề ra và thực hiện chiến lược phòng thủ trong khả năng, (bao gồm) nhưng không giới hạn ở các việc: (1) không để Trung Quốc thống trị trên không và trên biển tại 'chuỗi đảo thứ nhất' trong một cuộc xung đột; (2) bảo vệ các quốc gia 'chuỗi đảo thứ nhất', và (3) thống trị mọi vùng miền bên ngoài 'chuỗi đảo thứ nhất'".