Tối 19/5, Tiến Linh ghi bàn duy nhất giúp U23 Việt Nam thắng Malaysia 1-0 trong hiệp phụ, trận bán kết SEA Games 31. Tiến Linh là người hùng giúp U23 Việt Nam vào chơi trận tranh HCV. Nhưng nhìn nhận cục diện trận đấu, màn trình diễn của tiền đạo CLB Bình Dương là dưới mức kỳ vọng.
BLV Quang Tùng nhận định phong độ của Tiến Linh từ đầu giải không thuyết phục, dù đã ghi 2 bàn. Riêng trận Malaysia, Tiến Linh bỏ lỡ 3 cơ hội mười mươi, do đó phải xem lại cách dứt điểm, bởi thêm 1-2 pha bỏ lỡ tương tự ở trận chung kết SEA Games 31 sẽ khiến U23 Việt Nam ôm hận.
Tiến Linh bỏ lỡ nhiều cơ hội. Ảnh: Thuận Thắng. |
Thất vọng hàng công
- Tiến Linh bị CĐV chỉ trích khá nhiều sau các trận đấu ở SEA Games 31. Theo BLV Quang Tùng, chuyện gì đang xảy ra với tiền đạo chủ lực của U23 Việt Nam?
- Sau trận Malaysia, có thể khẳng định phong độ của Tiến Linh đang có vấn đề. Nhưng sẽ quá lời nếu xem Tiến Linh là gánh nặng, phong độ tệ hại ở U23 Việt Nam như một số chỉ trích. Việc Tiến Linh ghi 2 bàn ở SEA Games 31, bao gồm bàn mở tỷ số trước Indonesia, và kết liễu Malaysia đưa U23 Việt Nam vào chung kết, chứng tỏ cậu ấy vẫn có giá trị.
Trong cơn bĩ cực, Tiến Linh tỏa sáng và ghi bàn. Đó là phẩm chất của một tiền đạo giỏi. Tuy nhiên, màn trình diễn tổng thể của Tiến Linh chưa đạt yêu cầu. Hy vọng Tiến Linh sớm nhìn lại chính mình, chấn chỉnh những pha dứt điểm để hướng tới trận chung kết sẽ có rất ít cơ hội trước Thái Lan.
Ngay sau khi ghi bàn, Tiến Linh bỏ lỡ cơ hội đối mặt khi ý định tâng bóng qua đầu thủ môn Malaysia. Trước đó, Lê Văn Đô chuyền quả bóng đẹp từ biên phải, rồi Tiến Linh băng cắt đá nối, nhưng cú sút không tốt. Những pha dứt điểm khác của Tiến Linh trong hiệp một cũng cho thấy cảm giác bóng đang khá tệ của cậu ấy mỗi khi ra chân.
- Tiến Linh chơi tệ, nhưng HLV Park luôn giữ trên sân?
- U23 Việt Nam có phương án dự bị, nhưng không sẵn sàng để thay Tiến Linh. Từ đầu SEA Games, HLV Park luân phiên sử dụng Nhâm Mạnh Dũng và Nguyễn Văn Tùng đá cặp tiền đạo với Tiến Linh, nhưng phong độ của 2 tiền đạo đó cũng tệ. Ngay lúc này, không chỉ nhóm cầu thủ lứa U23, mà tính cả nền bóng đá Việt Nam, không ai có thể thay được Tiến Linh trong sơ đồ của HLV Park.
Hiệu suất dứt điểm của Tiến Linh là tệ, nhưng chúng ta không bỏ qua đóng góp của cậu ấy về cách di chuyển hút người, làm tường, phối hợp và là trung tâm của những pha tổ chức tấn công cố định. Tiến Linh ở SEA Games 31 vẫn chơi với nhiệt huyết lớn và đóng góp tích cực vào thế trận, chỉ là dứt điểm tệ.
Hùng Dũng là điểm sáng của U23 Việt Nam. Ảnh: Y Kiện. |
Vấn đề của U23 Việt Nam
- Trước trận, BLV Quang Tùng có nghĩ U23 Việt Nam vất vả như vậy để thắng Malaysia?
- Malaysia là đối thủ không dễ chơi, nhưng đúng là U23 Việt Nam vất vả hơn chúng ta nghĩ để giành vé vào chung kết.
Đối thủ chủ động phòng ngự chiều sâu, do đó U23 Việt Nam làm chủ hoàn toàn cuộc chơi. Chúng ta triển khai thế trận theo 3 tiêu chí: phòng ngự chắc chắn, kiểm soát tuyến nữa và đẩy áp lực tấn công. Về phòng ngự, U23 Việt Nam làm tốt, cho chúng ta cảm giác Malaysia không có cửa để phản công.
Tuyến giữa U23 Việt Nam kiểm soát bóng áp đảo và tạo nhịp chơi khá lý tưởng. Nhưng ở khâu quan trọng nhất là tấn công, U23 Việt Nam không làm tốt.
Theo tôi, vấn đề nằm ở tốc độ triển khai tấn công. U23 Việt Nam chưa đủ nhanh để kéo giãn, gây xáo trộn cho đội hình Malaysia. Chúng ta tấn công chủ yếu ở biên, nhưng tốc độ thấp, dẫn đến thiếu đột biến. Các hậu vệ biên luôn nhận bóng trong thế đang, hoặc sắp bị đối thủ lao tới, dẫn đến đường chuyền không như ý.
Áp lực U23 Việt Nam dồn về sân Malaysia chưa đủ mạnh mẽ để khiến đối thủ rối loạn. Sau hiệp một, chúng ta thực hiện 3 quả phạt góc, còn Malaysia chỉ phản công, nhưng có 8 quả. Đó là minh chứng cho sức ép khá yếu mà U23 Việt Nam dồn về phần sân Malaysia, bởi thầy trò HLV Park không chỉ dứt điểm ít, mà còn thiếu tình huống cố định để tạo ra khác biệt.
- U23 Việt Nam gần như chỉ tấn công biên và thực hiện nhiều quả tạt. Nhưng rất ít tình huống tạo khác biệt, lý do ở đâu?
- Lê Văn Xuân và Lê Văn Đô nhận bóng nhiều trong thế tấn công biên của U23 Việt Nam, nhưng gây thất vọng.
Văn Đô chỉ tạo một điểm nhấn là đường chuyền cho Tiến Linh dứt điểm. Sau đó, các pha khống chế, rê dắt và tạt của Văn Đô gần như không có sắc nét. Khi được HLV Park đẩy sang cánh trái, Văn Đô vô hại. Tương tự, Văn Xuân chơi rất tệ trước khi rời sân vì chấn thương. Những quyết định chuyền, dứt điểm của Văn Xuân đều diễn ra ở tư thế khó và bất lợi đối với cậu ấy.
Màn trình diễn của Văn Xuân và Văn Đô là tâm điểm trong thế trận tấn công biên vô hại của U23 Việt Nam. Nhưng nguyên nhân chính còn đến ở hệ thống tổ chức tấn công không tốt. Theo tôi, chủ yếu vẫn là tốc độ triển khai. U23 Việt Nam lên bóng quá chậm, thiếu sự mạo hiểm tương tự hiệp một trận gặp Indonesia, và trận bị Philippines cầm hòa.
- Hùng Dũng có lẽ là điểm sáng hiếm hoi của U23 Việt Nam?
- Đúng vậy! Hùng Dũng làm mọi thứ cho U23 Việt Nam ở SEA Games 31. Cậu ấy nắm vai trò chủ chốt để cầm nhịp tuyến giữa và hỗ trợ tấn công miệt mài từ trung lộ dạt ra biên. Khoảnh khắc Hùng Dũng gục xuống sân sau tiếng còi kết thúc cho thấy cậu ấy quá mệt và chịu sức ép nặng nề trước khi tận hưởng cảm giác của người chiến thắng.
- U23 Việt Nam vất vả khi chạm trán đối thủ chơi phòng ngự co cụm. Tại chung kết SEA Games 31, anh nghĩ thế trận có thoáng hơn, khi Thái Lan ít khi phòng ngự co cụm?
- Đó là Thái Lan của ngày trước. Còn dưới thời Alexandre Polking, tôi thấy họ bắt đầu thực dụng, khi nhìn nhận mình không thể áp đảo Việt Nam như trước. Tại vòng bảng SEA Games 31, U23 Thái Lan sẵn sàng thực dụng trong một số thời điểm trận đấu. Họ đẩy tốc độ ở 15 phút đầu và 10 phút cuối của mỗi hiệp, nhưng sau đó sẽ chơi "lai rai" nếu cần giữ sức, hoặc bảo toàn tỷ số.
U23 Việt Nam đang gặp vấn đề trong việc áp đặt tấn công. Tôi nghĩ Thái Lan sẽ chọn đúng cách chơi đó để gây khó khăn cho U23 Việt Nam. Nhưng khác biệt là ở khả năng phản công, tấn công từ tình huống cố định của Thái Lan sẽ có sát thương cao hơn.
- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!