Việc 11 chính phủ các nước còn lại đã cứu được Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương rất đáng được khen ngợi, bởi họ đã bảo vệ được Hiệp định sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận thương mại tự do đầy tham vọng này. Họ thậm chí xứng đáng nhiều ngợi ca hơn nếu họ có thể đưa thỏa thuận tiến xa hơn nữa.
Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Philippines vẫn chưa là thành viên của Hiệp định, nhưng các nền kinh tế này đều bày tỏ mong muốn tham gia. Việc mở rộng tới TPP-16 sẽ làm tăng lợi ích kinh tế lên đáng kể đối với các thành viên liên quan.
Cuộc đàm phán rất khó khăn nhưng các bộ trưởng đều thống nhất là sẽ đạt thoả thuận về TPP-11 ở Đà Nẵng bên lề APEC. Ảnh: Tiến Tuấn.
|
Theo đúng trình tự, điều này có thể sẽ khiến Mỹ nhìn nhận lợi ích tốt nhất của mình nằm ở đâu, và suy nghĩ đến việc tham gia lại dự án mà quốc gia này từng là người tiên phong.
Thỏa thuận TPP-11 vẫn có giá trị khi nó đã được thống nhất về nguyên tắc tại Hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam. Quyết định đứng sang một bên của Mỹ sẽ làm giảm một nửa các lợi ích kinh tế của các thành viên còn lại. Cho dù vậy, lợi ích mang lại vẫn rất lớn, nhất là đối với các nước như Malaysia, Singapore và Brunei, các quốc gia này xuất khẩu sang các nước thành viên còn lại nhiều hơn là với Mỹ.
Kết nạp thêm thành viên có thể tăng những lợi ích này lên một cách đáng kể. Theo Viện Peterson về Kinh tế quốc tế, từ 11 lên 16 sẽ khiến lợi ích mà các nước thành viên có được tăng lên gấp 3 lần, khoảng 500 tỷ đô mỗi năm, nhiều hơn phiên bản gốc TPP-12 có thể mang lại. Đó là bởi vì 3 nền kinh tế tiến bộ sẽ cùng tham gia (Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan), mà cả 3 nền kinh tế này này hiện tại không có chung một hiệp định thương mại tự do nào, và bởi điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng mới khắp châu Á.
Tuy nhiên, để đạt được điều này không phải dễ dàng. Thứ nhất, TPP-11 có một số vấn đề còn tồn đọng cần giải quyết trước khi các nước tiến hành phê chuẩn hiệp định này. Về việc mở rộng thành viên, Thái Lan và Indonesia không năng nổ nhiều như mong đợi, bởi hiệp định yêu cầu những cuộc cải cách trong nước vốn nhiều thách thức. Đài Loan nhiệt tình tham gia và đã bắt đầu chuẩn bị, nhưng khả năng Trung Quốc phản đối là khá cao.
Nhật Bản, quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy TPP-11, nên tiến hành nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Thái Lan và Indonesia tham gia Hiệp định. Và các thành viên của TPP nên đảm bảo với Trung Quốc rằng Trung Quốc luôn được hoan nghênh nếu như nước này sẵn sàng áp dụng những tiêu chuẩn cao của thỏa thuận.
Khối thương mại TPP thịnh vượng có thể đạt được mục đích tương tự, thậm chí là tốt hơn khi nó có thể giúp Trung Quốc phát triển và cải cách bằng cách mở ra cách tiếp cận rộng lớn hơn tới các thị trưởng đang tăng trưởng nhanh chóng.
Trump đã đưa ra một tầm nhìn rất khác ở Việt Nam, khi ông từ chối mọi thỏa thuận đa phương lớn và ưu tiên các thỏa thuận song phương mà ở đó Mỹ có thể tận dụng tầm cỡ của mình để giành được lợi thế hơn so với đối thủ và đối tác. Bất kỳ thỏa thuận nào giúp mở rộng thương mại tự do đều xứng đáng được thực hiện, nhưng những cuộc đàm phán một bên một cách có tính toán như vậy sẽ làm chậm tiến độ trên một quy mô nhỏ hơn.
Với tiến trình TPP đang ngày càng mở rộng, các quốc gia sẽ có những lựa chọn khác. Quyết định thương mại của Tổng thống Trump sau cùng sẽ làm hại các doanh nghiệp Mỹ. Các nhà xuất khẩu Mỹ đã chịu thiệt thòi khi các quốc gia khác đã đẩy mạnh thực hiện các thỏa thuận thương mại. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán thiệt hại sẽ còn tăng lên nữa. Sự phản đối trong nước cũng sẽ mạnh mẽ hơn.
Đó là lý do tại sao, nếu may mắn, cách tiếp cận tối đa tới TPP có thể khiến không chỉ Trung Quốc tham gia mà cả Mỹ, đất nước đã đưa ra ý tưởng về Hiệp định và từng là nhà vô địch toàn cầu về thương mại tự do, trở lại.