Doanh thu của BlackBerry vẫn ảm đạm nhưng đối với bản thân họ và các nhà đầu tư, đã có những tín hiệu tích cực được phát đi. Cổ phiếu của hãng tăng 24% trong khoảng 3 tháng qua trong khi các nhà đầu tư đã bắt đầu nói với nhau về một sự trở lại thần kỳ.
Tín hiệu tích cực từ CEO mới
CEO John Chen đã đảm bảo 50% cho cơ hội trở lại của “dâu đen”. Một số nhà đầu tư đặt niềm tin rất lớn vào BlackBerry khi Chen là người cầm lái. Khi ông chuyển đến Sybase năm 1997, Gartner dự đoán 70% công ty này sẽ phá sản thời điểm đó.
Chen biến công ty này từ một nhà cung cấp phần mềm cơ sở dữ liệu dựa trên máy chủ thành một nhà cung cấp các giải pháp di động. Khi Chen gia nhập Sybase, công ty trên đã thua lỗ 4 năm liên tiếp. 13 năm sau, SAP mua lại Sybase với giá 5,8 tỷ USD.
Một nhà phân tích của MKM Partners cho biết, thành công lớn nhất của BlackBerry thời điểm hiện tại chính là niềm tin của các nhà đầu tư vào Chen. “Ông ấy chắc chắn là một người thông minh hơn so với người quản lý trước và ông ấy có một hồ sơ tốt” – Michael Genovese cho biết.
Với một số người, BlackBerry đã là dĩ vãng nhưng CEO John Chen đang cố gắng tìm cho hãng một con đường để trở lại. Ảnh: AP. |
Đặt chân đến BlackBerry, Chen tập trung vào việc cắt giảm chi phí, biến hãng này thành một tổ chức gọn nhẹ hơn. Kết quả là, tỉ suất lợi nhuận của hãng đã tăng lên 43%, từ mức 34% trong quý trước đó. Hàng tồn kho của hãng cũng giảm tới 30% trong khoảng thời gian này.
Ngoài việc cắt giảm chi phí, Chen còn ký kết với Foxconn một hợp đồng sản xuất thiết bị BlackBerry nhằm sản xuất các thiết bị giá rẻ cho thị trường châu Á và Mỹ Latin. Sau khi gạt bỏ các gánh nặng của việc sản xuất, BlackBerry sẽ xác định lại vị thế của mình là một nhà cung cấp phần mềm và dịch vụ.
Hãng cũng sẽ không từ bỏ các thị trường lớn. Chen cho biết, ông sẽ lên kế hoạch thiết kế một model BlackBerry cao cấp, sau đó nhờ một nhà sản xuất ít tên tuổi sản xuất phần cứng.
Hiện tại, kế hoạch của BlackBerry là tập trung vào quá khứ. Trong một cuộc điện thoại hôm thứ 6 tuần trước, Chen vạch ra kế hoạch tái sản xuất mẫu Blod – sản phẩm từng ra mắt năm 2008 và chạy hệ điều hành BlackBerry 7. Ngay cả khái niệm điện thoại mới của công ty – chiếc Q20 – cũng sử dụng những di sản cũ như bàn phím vật lý và trackpad, thay vì một màn hình cảm ứng.
Đường về còn lắm chông gai
Ngay cả khi nhận được sự tin tưởng của các nhà đầu tư, BlackBerry vẫn đứng trước mối hoài nghi cực lớn. “Công ty đã mất quá nhiều tiền và nhiều động lực và nó khó có thể trở lại từ điểm xuất phát hiện tại. Chen nghĩ những người yêu mến họ trong quá khứ sẽ yêu mến họ trở lại. Đó là một yêu cầu quá đáng” – chuyên gia viễn thông Roger Entner của hãng phân tích thị trường Recon Analytics tỏ ra hoài nghi.
Entner lấy Palm làm một ví dụ. Giống BlackBerry, Palm từng nổi danh trong lĩnh vực điện toán di động nhưng đã đánh mất động lực của mình. Năm 2001, công ty này có trị giá 9 tỷ USD. Tuy nhiên, khi HP mua lại nó vào năm 2010, hãng này chỉ phải bỏ ra 1,2 tỷ USD sau đó thậm chí còn khai tử thương hiệu nói trên và nền tảng WebOS trên các thiết bị di động.
Nhiều người khác lại tin tưởng vào BlackBerry bởi họ có một thành trì vững chắc, gây dựng được từ sự tin tưởng gần như tuyệt đối của nhóm khách hàng đến từ chính phỉ, các công ty dược phẩm và dịch vụ tài chính vào sự bảo mật của nó.
Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà phân tích đều tán đồng về việc Chen đã có những bước đi đúng đắn. Một điểm quan trọng nữa là hãng cũng có đủ tiền mặt – 3,2 tỷ USD, cộng thêm 500 triệu USD từ việc bán trụ sở - để thực hiện việc cải tổ.