Becky Strickland muốn cô con gái tuổi teen nếm thử trải nghiệm điên rồ của ngày Black Friday. Do đó, bà đưa con gái đến Herald Square ở Manhattan, một trong những khu mua sắm sầm uất nhất New York (Mỹ).
Nhưng cảnh tượng tại các cửa hàng không hỗn loạn như bà tưởng tượng dù vô số mặt hàng được giảm giá lớn. Những chiếc áo len được giảm tới 60% ở J.C. Penney vẫn còn nhiều. "Cảm giác hưng phấn khi săn đồ giảm giá đã không còn", Bloomberg dẫn lời bà Strickland, 50 tuổi, tiếc nuối.
Nhiều người tiêu dùng Mỹ khác cũng có chung cảm giác này. Ngoài thương mại điện tử, việc các cửa hàng bắt đầu chương trình giảm giá từ vài tuần trước khiến Black Friday - ngày hội mua sắm diễn ra sau Lễ Tạ Ơn tại Mỹ - trở thành Blasé Friday (thứ sáu nhạt nhẽo).
Black Friday tại Mỹ trở nên ảm đạm hơn so với các năm trước. Ảnh: Getty. |
Không còn không khí lễ hội
Mọi người vẫn đến các cửa hàng để mua sắm, nhưng nó khác xa với sự hỗn loạn, điên rồ và không khí như lễ hội tại các trung tâm mua sắm như trước đây.
"Black Friday đã trầm lắng hơn vì người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn vào đầu tháng. Dù vậy, ngày hội mua sắm này vẫn có ý nghĩa lớn với người Mỹ", chuyên gia Oliver Chen của Cowen & Co. Consumers nhận định.
Theo giới phân tích, việc người tiêu dùng không đổ xô đến các cửa hàng một phần do thời tiết lạnh giá ở khu vực Trung Tây và Tây của Mỹ. Công ty bất động sản JLL tiết lộ có khoảng 40% cửa hàng vắng khách hơn trong năm nay.
Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử có một năm tăng trưởng mạnh mẽ. Theo nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số Salesforce, chi tiêu cho mua sắm trực tuyến đạt 7,4 tỷ USD tại Mỹ trong Black Friday, cao hơn 16% so với năm ngoái.
"Black Friday đã trở nên văn minh hơn. Tôi không còn nhìn thấy cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh giành nhau như những năm trước", Jill Standish - Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn bán lẻ Accenture - nhận định.
Người Mỹ vẫn đến các trung tâm thương mại nhưng không còn điên cuồng như trước. Ảnh: Bloomberg. |
Tại Chicago, Mandy Hines, 30 tuổi, là điển hình cho cách người Mỹ trải nghiệm Black Friday. Cô mua một vài món đồ, bao gồm ống hút và cốc cà phê, tại Marshalls.
Nhưng cô coi Black Friday là một truyền thống chứ không phải dịp mua sắm cần thiết. Mandy Hines đã lên kế hoạch dành phần lớn thời gian để mua sắm trực tuyến.
Người thua kẻ thắng
"Bạn đang nhìn thấy bước chuyển thế hệ thông qua Black Friday. Những người 20-30 tuổi chỉ mua một vài món đồ mà họ đã nghiên cứu trên mạng trong Black Friday. Điều đó trái ngược với thế hệ cũ. Tại sao phải đến cửa hàng? Tại sao phải lòng vòng tìm chỗ đậu xe?", chuyên gia Jennifer Bartashus của Bloomberg bình luận.
Các nhà phân tích cho biết trong thời kỳ thương mại điện tử lên ngôi, vẫn có một số chuỗi cửa hàng ở Mỹ kinh doanh ổn định như Walmart, Target, Best Buy hay Lululemon Athletica.
"Các điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực không đảm bảo rằng mọi công ty thuộc mọi thể loại đều hoạt động tốt hơn mức trung bình. Vẫn có người thắng, người thua", Matthew Shay, Chủ tịch kiêm CEO Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, giải thích.
Trong những năm gần đây, doanh số bán hàng trong mùa lễ kéo dài từ tháng 11 đến tháng 12 vẫn tăng mạnh tại Mỹ. Black Friday trầm lặng hơn nhưng các nhà bán lẻ đã kéo dài dịp lễ, người mua hàng giờ đây săn ưu đãi suốt cả mùa. Các chuỗi cửa hàng có thể dần giết chết ngày Black Friday, nhưng đó không phải điều xấu.
Người mua hàng săn ưu đãi suốt cả mùa lễ hội ở Mỹ . Ảnh: Getty Images. |
Như Tom và Denise Doyle chẳng hạn. Họ không chuyên săn hàng giảm giá trong ngày Black Friday, nhưng bị lôi kéo đến một cửa hàng Target mới được tu sửa ở White Plains (New York) sau khi cô con gái 16 tuổi đồng ý trông đám em.
Cửa hàng không quá đông đúc, Tom kiểm tra lại các mặt hàng trong danh sách mua sắm của ông: một chiếc điều khiển từ xe, Lego và trò chơi điện tử. Hai vợ chồng cũng sẽ mua sắm trực tuyến (họ sẽ mua một máy tính Chromebook), nhưng họ coi chuyến đi như một cách nghỉ ngơi.
"Chúng tôi đã lẻn ra ngoài. Chẳng mấy dịp chúng tôi được đi riêng với nhau, vì thế đây là một cuộc hẹn hò", Denise vui vẻ nói.