Các nhà đầu tư tiền số đang chờ đợi kết quả bỏ phiếu từ Liên minh châu Âu (EU) về dự thảo khung quy định Thị trường trong Tài sản Tiền mã hóa (Markets in Crypto-Assets - MiCA).
Dự luật của EU tập trung hạn chế các loại tiền mã hóa dùng thuật toán PoW (Proof-of-Work) để xác thực giao dịch như Bitcoin và Ethereum. Nếu được thông qua trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/3 (giờ địa phương), dự luật sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiền mã hóa tại châu Âu, tác động lớn đến giới đầu tư toàn cầu.
Dự luật mới của EU có thể ảnh hưởng lớn đến các loại tiền mã hóa phổ biến hiện nay. Ảnh: Euronews. |
EU cho rằng các loại tiền dùng thuật toán PoW ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Trên thực tế, quá trình tạo ra Bitcoin tiêu thụ 91 TWh mỗi năm, nhiều hơn lượng điện tiêu thụ của các nước có diện tích nhỏ như Phần Lan.
Bản thảo đầu tiên về MiCA đề xuất cấm các loại tiền dùng thuật toán PoW từ tháng 1/2025. Tuy nhiên theo CoinDesk, bản chỉnh sửa sau đó đã viết nhẹ nhàng hơn, ghi rằng tiền mã hóa "phải tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu về bền vững môi trường, liên quan đến cơ chế đồng thuận được sử dụng để xác thực giao dịch trước khi phát hành, cung cấp hoặc chấp nhận để giao dịch trong EU".
Bản chỉnh sửa dự luật còn bổ sung lý do lượng khí thải carbon của Bitcoin có thể vượt quá tiêu chuẩn môi trường của EU.
Dự luật ghi rằng các loại tiền dựa trên thuật toán PoW như Bitcoin hay Ethereum phải "thiết lập và duy trì triển khai theo từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu", bao gồm chuyển sang các thuật toán tiêu thụ ít năng lượng hơn. Những loại tiền được khai thác và giao dịch với quy mô nhỏ sẽ được miễn trừ, nhưng dự luật không cung cấp tiêu chí xác định loại tiền có quy mô nhỏ.
Ethereum đang có kế hoạch chuyển sang thuật toán PoS (Proof-of-Stake) tiêu tốn ít năng lượng hơn. Trong khi đó, chưa rõ Bitcoin sẽ có động thái gì nếu dự luật được thông qua. Lượng thành viên có thể bỏ phiếu chống lại dự thảo là rất nhỏ, CoinDesk cho biết.
Theo news.com.au, một số chuyên gia tiền mã hóa bày tỏ quan điểm lo ngại về dự luật mới của EU, khẳng định kết quả biểu quyết rất quan trọng.
Cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật của EU sẽ diễn ra vào 14/3 theo giờ địa phương. Ảnh: Getty Images. |
"Một đề xuất như vậy rất đáng lo ngại, không phù hợp với tình hình thực tế", chuyên gia công nghệ Jeremy Allaire, nhà sáng lập công ty tiền mã hóa Circle Pay viết trên Twitter.
Trên thế giới, đã có nhiều quốc gia ra lệnh cấm hoàn toàn, hoặc một phần đối với tiền mã hóa. Vào tháng 1, chính phủ Nga đã công bố kế hoạch cấm hoàn toàn tài sản kỹ thuật số vì lo ngại rửa tiền và ảnh hưởng đến môi trường. Trong khi đó, Trung Quốc đã cấm hoàn toàn các giao dịch tiền mã hóa từ tháng 9/2021.
Một số nước như Ai Cập, Iraq, Qatar, Oman, Morocco, Algeria, Tunisia và Bangladesh cũng đã cấm tiền mã hóa. Tháng 11/2021, Indonesia ban hành lệnh cấm sử dụng tiền mã hóa với người theo đạo Hồi do chứa yếu tố cá cược.