Ngày 9/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh, thông qua hành pháp nhằm bảo vệ các nhà đầu tư tiền số. Mặc dù thị trường tiền mã hóa chưa lập tức phản ứng tích cực, nhiều chuyên gia cho rằng đây là tin tốt về lâu dài.
Theo trang chủ của Nhà trắng, tài sản kỹ thuật số đã bùng nổ gần đây, mức vốn hoá có lúc vượt 3.000 tỷ USD. Qua khảo sát, số liệu cho thấy khoảng 40 triệu người Mỹ trưởng thành từng giao dịch tiền số.
Sắc lệnh sẽ thu hút nhà đầu tư mới
Thông tin từ Nhà trắng cho biết sự bùng nổ của tài sản số đã tạo cơ hội củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu. Đồng thời, nước này cần bảo vệ người dùng, ổn định tài chính, an ninh và rủi ro khí hậu.
Theo báo cáo của Nhà trắng, Mỹ phải dẫn đầu về công nghệ trong đà phát triển của thế giới. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia quản trị tài sản số trên toàn cầu, phù hợp với các giá trị dân chủ và khả năng cạnh tranh của nước này.
Mệnh lệnh của Tổng thống Biden được đánh giá chưa rõ ràng. Ảnh: WSJ. |
Do đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua sắc lệnh, phác thảo cách tiếp cận để giải quyết các rủi ro và lợi ích liên quan đến tài sản số và công nghệ nền tảng.
Theo The Verge, kế hoạch của Nhà trắng không có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, cộng đồng tiền số đang xem sắc lệnh của Tổng thống Biden là một tín hiệu tốt.
“Tôi thực sự vui mừng khi có cơ hội tham gia vào các cuộc thảo luận, giúp Mỹ dẫn đầu trong lĩnh vực blockchain”, Kristin Smith, Giám đốc điều hành Hiệp hội blockchain Mỹ cho biết. Đồng thời, việc hợp pháp hóa tiền số sẽ khiến làm giảm bớt các hoài nghi về lĩnh vực này, thu hút nhiều nhà đầu tư mới.
Một không gian blockchain an toàn hơn
Lệnh đưa ra chính sách quốc gia về tài sản kỹ thuật số gồm những ưu tiên: bảo vệ người dùng và nhà đầu tư, ổn định tài chính, hạn chế tội phạm tài chính, khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu và khả năng cạnh tranh kinh tế, ổn định giá dịch vụ, hỗ trợ đổi mới có công nghệ và nghiên cứu về loại tiền số riêng của Ngân hàng trung ương Mỹ (CBDC).
Mệnh lệnh của Tổng thống Biden xoay quanh việc bảo vệ nhà đầu tư. Ảnh: Yahoo. |
Sắc lệnh của ông Biden yêu cầu các cơ quan phát triển chính sách bảo vệ người dùng, nhà đầu tư, doanh nghiệp và đề phòng các rủi ro hệ thống. Đặc biệt, các cơ quan cần tìm ra phương pháp để giảm thiểu mọi rủi ro về việc sử dụng tiền số bất hợp pháp.
“Mọi người lo ngại rằng sắc lệnh sẽ chỉ tập trung vào rủi ro. Tôi hy vọng rằng cột mốc này sẽ giúp cho người dùng và các chủ dự án cảm thấy an toàn hơn khi tham gia vào không gian blockchain”, Blake Estes, quản lý tại Alston & Bird cho biết.
Đồng thời, việc nhấn mạnh vào sự đổi mới trong văn bản của lệnh hành pháp từ Nhà Trắng cho thấy rằng cuộc đàn áp đối với tiền điện tử là khó có thể xảy ra.
“Đây là một khoảnh khắc đầy hy vọng mà nhiều nhà giao dịch đang chờ đợi", Faryar Shirzard, Giám đốc chính sách của Coinbase viết trên Twitter.
Nghiên cứu và phát hành USD kỹ thuật số
Mệnh lệnh yêu cầu các cơ quan trực thuộc chính phủ Mỹ sớm đưa ra đánh giá về tiềm năng của đồng USD kỹ thuật số. Bộ Tư pháp sẽ chịu trách nhiệm ban hành các quy định có liên quan đến đồng tiền mới này.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương, hay CBDC, đã được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu và thử nghiệm như Trung Quốc, Thụy Điển. CBDC là công cụ được chính phủ dùng để bắt kịp với những thay đổi đến từ thị trường tiền mã hóa.
CBDC là công cụ giúp chính phủ bắt kịp với những thay đổi của giới tài chính. Ảnh: Bank of England. |
Theo văn bản từ Nhà trắng, tiền pháp định là cốt lõi của một hệ thống tài chính hoạt động tốt. The Verge nhận định việc nghiên cứu, phát triển CBDC mang tính cấp thiết cao. Theo đó, người dùng có thể thanh toán quốc tế nhanh chóng và có phí rẻ hơn.
Alan Konevsky, Giám đốc pháp lý của tZERO, một hệ thống giao dịch tiền mã hóa cho rằng Mỹ cần phát triển CBDC để duy trì USD như đồng tiền dự trữ của thế giới.