Live show là hình thức kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn bậc nhất cho các nghệ sĩ. Những tên tuổi hàng đầu trong khoản chạy tour như Madonna, Ed Sheeran hay Taylor Swift cũng đều thuộc top những nghệ sĩ có thu nhập từ âm nhạc lớn nhất. Không chỉ thu tiền nhờ việc bán vé đắt đỏ và lưu diễn tại nhiều địa điểm, các nghệ sĩ còn có các hình thức kinh doanh khác nhờ live show như bán CD, bán vật phẩm đi kèm, bán vé gặp mặt và chụp ảnh chung với nghệ sĩ,...
Để có thể “kinh doanh” tốt loại hình live show này, nghệ sĩ cũng phải đảm bảo tên tuổi, sức hút của bản thân đủ lớn để bán vé và âm nhạc trong chương trình có nhiều thứ đáng để nghe. Chính vì thế, nghệ sĩ quốc tế thường đi lưu diễn khi mới phát hành một album mới, và chuỗi live show này sẽ để quảng bá và trình diễn các ca khúc hoàn toàn mới, kết hợp với các ca khúc cũ để tạo thành đêm nhạc có chủ đề thống nhất.
Người mua vé thường biết rõ mình sẽ nhận được gì tại những live show như vậy.
Nghệ sĩ Việt Nam đang thực hiện live show như thế nào?
Ở Việt Nam, việc nghệ sĩ thực hiện các live show cá nhân đã có từ lâu. Nhiều người cho rằng Thanh Lam là nghệ sĩ đầu tiên thực hiện tour live show cá nhân xuyên Việt vào năm 1996 và để lại nhiều dấu ấn. Sau đó, các tên tuổi lớn của nhạc Việt thời điểm đó như Hồng Nhung, Phương Thanh, Lam Trường,... cũng liên tục tổ chức live show cá nhân thành công và chính thức mở ra loại hình nghệ thuật này cho các nghệ sĩ đàn em tiếp nối.
Trong những năm gần đây, một trong những nghệ sĩ thành công nhất trong mảng live show cá nhân là Hà Anh Tuấn. Không phát hành nhiều các bài hát mới, live show của Hà Anh Tuấn chủ yếu là các bản cover mà anh từng thực hiện trên YouTube. Tuy nhiên, nhờ có chủ đề xuyên suốt cho chuỗi cover và xây dựng hình ảnh “nhạc tử tế” thành công, live show của Hà Anh Tuấn vẫn luôn cháy vé và là chương trình được săn đón hàng đầu hiện nay. Chất lượng của những live show này cũng được công chúng đánh giá khá cao về mặt sân khấu, câu chuyện.
Sau đại dịch Covid-19, các chương trình ca nhạc quy mô lớn được tổ chức trở lại, năm 2022 đánh dấu rất nhiều live show cá nhân lớn, hoành tráng: Hoàng Dũng với tour Yên tổ chức ở cả Hà Nội và TP.HCM với tổng cộng hơn 10.000 người xem, Mỹ Tâm với live show Tri Âm thu hút 30.000 khán giả tại Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), gần đây nhất là Kosmik Live Concert của SpaceSpeakers cũng thu hút 5.000 khán giả.
Người yêu nhạc cũng vừa chứng kiến live show Hồ Ngọc Hà ở Đà Lạt với quy mô nhỏ hơn, khoảng gần 1.000 khán giả, Tùng Dương chuẩn bị có live show kỷ niệm 20 năm ca hát ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, khoảng 4.000 khán giả.
Tuy nhiên, ngoại trừ Hoàng Dũng có ra mắt EP Yên 4 bài để xây dựng concept âm nhạc cụ thể cho live show, SpaceSpeakers cũng giới thiệu 1-2 bài hát mới, những nghệ sĩ còn lại đều thực hiện chương trình theo định hướng “tri ân” là chính. Khán giả mua vé chủ yếu vì tên tuổi của nghệ sĩ và những bản hit cũ của chính nghệ sĩ đó thay vì là chất lượng của live show lần này. Trong live show, các nghệ sĩ cũng gần như không trình diễn ca khúc mới, phần lớn là những ca khúc cũ đã làm nên tên tuổi của họ.
Điều này dường như đi ngược lại với các live show, concert quốc tế khi yếu tố âm nhạc được đặt lên hàng đầu. Như Madonna, bà luôn đi tour biểu diễn các ca khúc mới trong album phát hành cùng thời điểm, cùng với đó là phối lại các bản hit cũ theo concept của album mới. Khán giả đến live show được chứng kiến, chiêm ngưỡng những chất liệu âm nhạc mới mẻ, chỉ dành riêng cho buổi concert đó thay vì chỉ là những màn diễn live của các bản thu âm đã nghe đi nghe lại nhiều lần.
Với nghệ sĩ Hàn, cách tổ chức khá đa dạng. Tour diễn của nhạc Hàn hiện nay chủ yếu nổi bật với mô hình nhóm của các công ty giải trí. Mô hình này cũng có những tour, concert kỷ niệm, nhất là trước thời điểm nhóm dừng hoạt động hoặc tan rã. Tuy nhiên, nhìn chung, các tour diễn cũng thường gắn chặt với việc quảng bá sản phẩm mới, đặc biệt là sau khi ra mắt album như BlackPink đang có tour lưu diễn toàn cầu sau album Born Pink. Nhóm nhạc Hàn đang hoạt động thường hiếm khi dám tổ chức tour nếu chưa ra mắt album, sản phẩm mới.
Sân khấu hoành tráng nhưng còn nhiều yếu tố chưa chuyên nghiệp
Live show Tri âm của Mỹ Tâm hay Kosmik Live Concert của SpaceSpeakers thời gian vừa qua nhận được nhiều sự quan tâm, bình luận của khán giả về quy mô và sự đầu tư lớn của nó. Với Mỹ Tâm, đó là live show được tổ chức ở một trong những sân vận động lớn nhất cả nước với sức chứa khổng lồ, lên đến 30.000 khán giả. Người hâm mộ xúc động khi hơn 20 năm sự nghiệp, Mỹ Tâm vẫn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết bùng nổ, vẫn duy trì được sức hút có một không hai tại Vpop.
Tuy nhiên, live show cũng bị chê vì khâu tổ chức còn thiếu chuyên nghiệp. Nhiều người không có vé vẫn có thể vào, trong khi nhiều người sở hữu vé vip lại phải ra về vì không có chỗ dù giá vé khá cao. Vị trí chỗ ngồi theo giá vé cũng khá lộn xộn. Thực tế, khi không thể đảm bảo ổn định cho lượng khán giả lớn, ca sĩ nên xem xét lại số lượng vé bán ra ngay từ đầu.
Với SpaceSpeakers, đó là concept vũ trụ cùng sân khấu thực tế ảo được cho là mới lạ tại Việt Nam. Khán giả cũng trầm trồ và bàn tán liên tục về màn tỏ tình của Binz và Châu Bùi.
Tuy nhiên, dường như rất ít người bàn luận về âm nhạc của những live show hoành tráng này. Có lẽ, lý do chính là bởi vì các tiết mục trong live show khá đơn thuần là diễn live những bản thu âm mà khán giả đã nghe nhiều lần, kết hợp với các hiệu ứng sân khấu thêm phần bắt mắt mà thôi. Những giá trị về âm nhạc thì không tăng lên quá nhiều so với bản studio.
Các live show của nghệ sĩ Việt cũng rất chuộng việc có nhiều khách mời tham gia biểu diễn. Tuy nhiên, các phần trình diễn của những nghệ sĩ khách mời này lại không thực sự hài hòa với tổng thể, chỉ như một “chiêu trò” giúp cho live show thêm thu hút, bán thêm được nhiều vé hoặc có vai trò như một quãng nghỉ cho phần tiếp theo của live show mà thôi.
Hiệu quả truyền thông của các khách mời rất tốt, đúng như mong muốn của nhà sản xuất. Gần đây, hình ảnh Hà Anh Tuấn nắm tay Mỹ Tâm trong live show Tri Âm được lan truyền chóng mặt, giúp live show nhận được sự quan tâm rất lớn, dù cho việc 2 ca sĩ ấy cùng song ca bài gì và đóng góp vào concept tổng thể như thế nào thì không nhiều người chú ý.
Một số live show đang có dấu hiệu quá chú tâm vào những câu chuyện ngoài âm nhạc. Nếu như ở Tri Âm, hành động quỳ lạy khán giả của Mỹ Tâm cũng khiến giới quan sát âm nhạc băn khoăn, thì những tiết mục biểu diễn trong Kosmik Live Concert của SpaceSpeakers lại khiến nhiều người xem thắc mắc.
Những phân cảnh 18+ bị lạm dụng thái quá, xuất hiện rất nhiều nhưng không có kiểm soát độ tuổi. Ngay cả khi Ban tổ chức có giải thích rằng đã đưa ra cảnh báo, phụ huynh dắt trẻ em dưới 18 tuổi theo phải chịu trách nhiệm quản lý, nhưng nó không thực sự thuyết phục vì những hình ảnh trong live show vẫn được lan truyền thậm chí trên chính các kênh truyền thông của nhóm mà không có sự giới hạn nào.
Cần làm gì để chuyên nghiệp hơn?
Trong chuỗi những live show nổi bật thời gian qua, live show Yên của Hoàng Dũng có vẻ như đang đi đúng hướng nhất. Anh có phát hành những sản phẩm âm nhạc mới để bổ trợ cho concept của cả live show, việc yêu cầu khán giả bịt mắt trong tiết mục Về nhà của anh cũng tạo được sự chú ý, khiến khán giả toàn tâm toàn ý tập trung vào âm nhạc - một “chiêu trò” thông minh mà văn minh.
Bản thân Hoàng Dũng cũng là một nghệ sĩ có giọng hát tốt, thế nên live show của anh cũng ít những bố trí sân khấu quá hoành tráng mà tập trung nhiều vào phần xây dựng âm thanh và trình diễn vocal. Tuy vẫn có khá nhiều khách mời tham gia với vai trò chưa rõ ràng, nhưng đây vẫn là một live show có chất lượng ổn, concept nổi bật, có những sản phẩm âm nhạc mới để khán giả thưởng thức.
Nếu như chưa thể tạo nên một live show đẳng cấp, hoàn hảo như các nghệ sĩ quốc tế, các nghệ sĩ trong nước hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhưng cốt lõi nhất, đó là âm nhạc. Chỉ có nền tảng là âm nhạc, những bài hát, album mới chất lượng, live show của các nghệ sĩ mới thực sự trở nên đáng nghe thay vì chỉ thu hút bởi hiệu ứng mạng xã hội hay những câu chuyện ngoài lề, rồi sau đó phần âm nhạc sẽ bị lãng quên chỉ sau vài tháng.
Bàn luận thêm với Zing, một producer có tiếng chia sẻ: "Thực tế, việc khán giả ngày càng chịu bỏ tiền ra mua vé live show cá nhân của nghệ sĩ là điều rất tích cực. 5.000, 10.000 hay 30.000 là những con số rất lớn. Con số chứng tỏ khán giả thực sự có nhu cầu được thưởng thức âm nhạc trực tiếp, nghệ sĩ trình diễn live. Nhiều nghệ sĩ Việt cũng đang rất nỗ lực, tuy nhiên để tiệm cận quốc tế và tạo ra được thói quen cho khán giả, các nhà tổ chức và ca sĩ cần chuyên nghiệp và chú trọng vào âm nhạc hơn nữa. Nếu một nghệ sĩ cứ đợi 10-20 năm làm một show kỷ niệm, khán giả mới đến coi, đó chưa phải thói quen. Thói quen là khi một nghệ sĩ âm nhạc có sản phẩm âm nhạc nổi bật, người nghe biết rằng một live show sẽ sắp diễn ra, và họ chờ đợi điều đó. Đó là thói quen tích cực".
5 cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.
Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.