Trong chiến hào ở miền Đông Ukraine, phía bên kia ranh giới với phe ly khai, Ivan Skuratovskyi chết lặng sau khi viên đạn của một tay súng bắn tỉa gần đây đã giết chết một trong số hơn 50 người dưới quyền chỉ huy của anh.
Đây là điều binh sĩ này thường xuyên phải đối mặt trong 8 năm hoạt động ở khu vực chiến tuyến dài 400 km. Ivan là thành viên của quân đội Ukraine, tham gia cuộc chiến mà anh chưa bao giờ nghĩ tới khi nhập ngũ vào năm 2013. Anh rất đau buồn, nhưng cái chết và xung đột đã trở thành một phần không thể né tránh trong cuộc đời anh.
“Chiến tranh đè nặng áp lực lên tôi và khiến tâm hồn tôi tan nát. Tôi ngày càng lãnh cảm hơn, hay như người ta gọi là trái tim đã chết. Đây là phản ứng bảo vệ của cơ thể trước những tình huống khắc nghiệt”, Skuratovskyi, 30 tuổi, nói.
Các quan chức Mỹ nói rằng với hơn 100.000 binh sĩ Nga đang ở gần biên giới phía đông và phía bắc của Ukraine. Mối đe dọa lần này được coi là nghiêm trọng hơn nhiều so với các cuộc đụng độ trong những năm giao tranh giữa phe ly khai và lực lượng Ukraine.
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng cảnh báo một cuộc tấn công toàn diện có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh triển khai 1.700 binh sĩ tới nước láng giềng Ba Lan.
Theo AP, nhưng ngay cả khi Washington liên tục cảnh báo, bình tĩnh vẫn cảm xúc chiếm ưu thế tại quốc gia Đông Âu, từ binh sĩ và người dân, người thân của binh lính cho đến Tổng thống Volodymyr Zelenskyy - người vận động tranh cử với lời hứa chấm dứt tình trạng xung đột và nhiều lần kêu gọi đối thoại ngoại giao.
“Chúng tôi đang bảo vệ đất nước và lãnh thổ của riêng chúng tôi. Sự kiên nhẫn có thể ảnh hưởng đến các hành động khiêu khích, khi chúng tôi không đáp lại các hành động khiêu khích nhưng lại cư xử với nhân phẩm cao đẹp”, ông Zelenskyy cho biết hôm 8/2 trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Niềm tin trái ngược
Nhiều người Ukraine đã rời bỏ nhà cửa trong cuộc giao tranh năm 2014 sau khi chứng kiến Nga sáp nhập bán đảo Crimea và quân ly khai nổi dậy ở tỉnh Donbass tại miền Đông. Tuy nhiên, người dân vẫn đang ở lại các khu vực gần với hoạt động chuyển quân của Moscow.
Sự bình tĩnh của Tổng thống Zelenskyy và nhiều người Ukraine có lẽ một phần xuất phát từ việc họ không phải là người có thể kiểm soát hoàn toàn tình hình trước mắt.
Nga gần như áp đảo Ukraine, không chỉ về quân số mà còn về vũ khí và trang thiết bị, chẳng hạn như máy bay chiến đấu và tàu hải quân cơ động ngoài khơi. Những thứ mà NATO cung cấp cho Ukraine - từ vũ khí chống tăng do Anh gửi đến 5.000 mũ bảo hiểm từ Đức - thậm chí chưa đạt tới mức tối thiểu.
Các quan chức tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không có quân đội Mỹ tham chiến ở Ukraine.
Về phần mình, ông Macron nói hôm 8/2 cho rằng ông quan ngại về căng thẳng bế tắc diễn ra trong “nhiều tuần và nhiều tháng tới”. Trong khi đó, các quan chức Mỹ tin rằng mối nguy hiểm xảy ra ngay lập tức, và không ngại ngần phát ra báo động.
Binh sĩ Ukraine tập trận với tên lửa chống tăng của Mỹ. Ảnh: AP. |
“Nỗ lực của chúng tôi là đảm bảo thông báo cho công chúng Mỹ và cộng đồng toàn cầu về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa này”, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết vào tuần trước khi được hỏi về sự khác biệt trong giọng điệu giữa Washington và Kyiv. "Tôi không thể nói về động cơ hoặc lý do cho những nhận xét của giới lãnh đạo Ukraine".
Hai chính phủ có chung động lực là ngăn chặn một cuộc tấn công, nhưng có thể họ nghĩ mình đang đàm phán với các đối tượng khác nhau.
Nhà Trắng tin rằng việc nêu bật những lo ngại quân sự sẽ khiến Điện Kremlin không thể tiếp tục hành động. Ông Biden và các cố vấn tính toán việc công khai những lo ngại đó, cũng như chi tiết tình báo, sẽ giúp đồng minh châu Âu đưa ra các biện pháp trừng phạt trong trường hợp Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraine.
Trong khi đó, ông Zelenskyy đang cân bằng các mối quan tâm quân sự khi nói rằng các lời cáo buộc qua lại có thể phá hủy nền kinh tế Ukraine, kể cả khi không có tiếng súng nào nổ ra.
Daniel Fried, cố vấn của chính quyền Tổng thống George W. Bush về các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và từng là đại sứ tại Ba Lan, cho biết thông điệp trái ngược bắt nguồn từ những đánh giá khác nhau của hai nước về ý định của Nga.
“Ông Zelenskyy có vẻ đang suy tính trong dài hạn”, anh nói. “Ông ấy lo lắng về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kéo dài đối với nền kinh tế Ukraine. Và ông ấy cảm thấy khả năng ông Putin cho quân đổ bộ vào Ukraine thấp hơn nhiều so với việc mối đe dọa mài mòn nền kinh tế Ukraine” và khiến các nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi.
“Vì thế, ông ấy muốn khắc họa cảm giác rằng ‘Chúng ta có thể vượt qua điều này’”, ông Fried nói.
Khát khao chấm dứt xung đột
Chính quyền của ông Zelenskyy cũng nhận thức sâu sắc ý kiến của dư luận Ukraine đang chia rẽ, đặc biệt là trong vấn đề nhượng bộ phe ly khai ở miền Đông.
Những kí ức vẫn còn nguyên. Yuri Maskirenko, một trong những người rời Crimea sau khi Nga sáp nhập, cho biết ông nghĩ Ukraine không nên đàm phán với Nga về tình trạng của khu vực Donbass, nếu không "mọi người sẽ đổ ra đường và điều này sẽ không dẫn đến những gì tốt đẹp”.
Từ vị trí ở tiền tuyến, anh Ivan Skuratovskyi đồng ý với cách tiếp cận ngoại giao, và không đồng tình với giải pháp vũ trang: “Vũ khí không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào ở đây”.
Quân nhân Ivan Skuratovskyi tuần tra tại tiền tuyến bên ngoài Avdiivka, vùng Donetsk, miền Đông Ukraine ngày 4/2. Ảnh: AP. |
Anh thường xuyên gọi điện từ ở thị trấn Avdiivka, tỉnh Donbass, với vợ, Maryna, ở phía bên kia đất nước tại thành phố biển Mykolaiv, gần Moldova. Maryna cho biết khoảnh khắc tồi tệ nhất của cô là vào năm 2014, khi một vụ nổ xảy ra khi anh đang nói chuyện với cô. Đôi khi cô nghĩ chồng mình không thể sống sót để trở về nhà.
Nhưng trong khi cô và những người bạn ở Mykolaiv nói về khả năng xảy ra chiến tranh, không ai trong số họ hoảng sợ. Cô khao khát cuộc xung đột chấm dứt và cuối cùng có thể đoàn tụ với người chồng đã gắn bó gần như cả thanh xuân.
“Vanya sẽ cho tôi biết nếu điều gì đó sắp xảy ra”, cô nói, dùng biệt danh trìu mến dành cho chồng mình. "Vì anh ấy không nói gì cả, nên tôi vẫn bình tĩnh".