Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bình Dương, Đồng Nai nới lỏng nhiều dịch vụ, TP.HCM còn dè chừng

Cùng chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch vừa qua, Bình Dương và Đồng Nai đang từng bước mở lại các hoạt động, còn TP.HCM đang cân nhắc việc nới lỏng.

Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát đến nay, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai đã trải qua hơn 120 ngày ứng phó với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất. Từ giữa tháng 9, với nhiều kết quả khả quan, 3 địa phương này đã lên kế hoạch từng bước mở cửa, nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục kinh tế và thích ứng an toàn với Covid-19.

Hiện tại, số ca nhiễm trung bình ở các địa phương này vẫn ở mức cao nhưng số ca tử vong có chiều hướng giảm. Các địa phương đang từng bước khôi phục lại các dịch vụ, đồng thời lên phương án kiểm soát trước nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

Hôm 22/10, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản hỏa tốc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Theo đánh giá cấp độ dịch của Sở Y tế Bình Dương, tính đến ngày 21/10, tỉnh này không có xã thuộc nguy cơ cấp độ 4 (vùng đỏ), tỉnh ở cấp độ 2 (vùng vàng).

Do đó, Bình Dương cho phép nhà hàng, quán ăn được phục vụ tại chỗ ở các vùng có cấp độ 1, 2 và 3. Riêng đối với vùng cấp độ 4 (vùng đỏ), hàng quán chỉ được bán mang đi.

Hàng quán khi mở bán đều phải đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Bán vé số dạo, hàng rong được hoạt động ở vùng 1 và 2. Dịch vụ karaoke, massage được hoạt động lại có điều kiện.

thich ung an toan voi Covid-19,  dich covid-19 bung phat anh 1

Bình Dương cho phép nhà hàng, quán ăn được phục vụ tại chỗ ở các vùng có cấp độ 1, 2 và 3. Riêng vùng đỏ, hàng quán chỉ được bán mang đi. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Một ngày sau (23/10), UBND tỉnh Đồng Nai cũng ban hành Chỉ thị 20 nới lỏng các hoạt động khi xác định dịch ở địa phương này ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình).

Đồng Nai cho phép nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (không phục vụ thức uống có cồn) được hoạt động không quá 50% công suất, giữ khoảng cách 1 m, đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Ngoài ra, địa phương này cho phép người bán hàng rong, bán vé số được hoạt động khi đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 hoặc là F0 đã khỏi bệnh. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống được hoạt động và phải chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo an toàn.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, sau ngày 1/10, TP.HCM có nhiều động thái nới lỏng giãn cách, khôi phục kinh tế. Song, chiều 25/10, lãnh đạo TP.HCM cho biết địa phương vẫn đang xem xét, cân nhắc cách làm, tiêu chí đánh giá để cho phép quán ăn uống, nhà hàng được phục vụ tại chỗ.

Ngày 27/10, Sở Công Thương đề xuất UBND TP.HCM cho phép hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ nếu đáp ứng các quy định theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch. Các cơ sở chỉ hoạt động đến 21h, không quá 50% công suất và không bán, không sử dụng đồ uống có cồn.

Căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn, Sở Công Thương đề nghị TP.HCM cho phép quận 7 và TP Thủ Đức được thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn tại một số địa bàn do Chủ tịch UBND quận 7 và TP Thủ Đức quyết định.

thich ung an toan voi Covid-19,  dich covid-19 bung phat anh 2

Nhiều bạn trẻ ở TP.HCM mong ngóng rạp chiếu phim mở cửa trở lại. Ảnh minh họa: Ngọc Hiền.

Theo thông báo ngày 24/10, UBND TP.HCM ở cấp độ 2. Chín trong số 22 quận, huyện đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), 12 địa phương đạt cấp độ 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình), 1 địa phương ở cấp độ 3 (màu cam - nguy cơ cao).

Nghị quyết 128 của Chính phủ cho phép các địa bàn từ cấp 3 xuống cấp 2 có thể cho một số lĩnh vực có thể hoạt động hoặc hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế như: Ăn uống tại chỗ, bán hàng rong, vé số dạo; rạp chiếu phim; giáo dục, đào tạo trực tiếp. Riêng cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp và các cơ sở khác ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế.

Thông báo 155 của UBND TP.HCM cũng đề nghị các quận, huyện căn cứ cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trong lĩnh vực và trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều địa bàn cho biết vẫn đang chờ UBND TP.HCM đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn về các biện pháp được hoạt động. Cho nên đến trưa 27/10, các quận, huyện và TP Thủ Đức vẫn đang áp dụng Chỉ thị 18.

Theo Chỉ thị 18, TP.HCM đang tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; hoạt động chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo.

Học sinh tiếp tục học gián tiếp, riêng các loại hình đào tạo cho người đã tiêm đủ liều vaccine có thể dạy - học trực tiếp nếu đảm bảo tiêu chí an toàn.

Bình Dương lên phương án kiểm soát nếu dịch Covid-19 bùng phát lại

Bình Dương thành lập trạm y tế lưu động, tăng cường nhân lực y tế, đầu tư cơ sở vật chất tại các bệnh viện tầng 1, 2, 3... là phương án chuẩn bị nếu dịch bùng phát lại.

Được tiêm vaccine, học sinh TP.HCM có thể tới trường sớm hơn

Theo kế hoạch, học sinh TP.HCM sẽ học trực tuyến hết học kỳ I. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết sau khi tiêm đủ 2 mũi, TP sẽ xem xét cho học sinh đi học trở lại.

TP.HCM, Hà Nội không yêu cầu xét nghiệm người ở nơi khác vào địa bàn

Lực lượng chức năng chỉ yêu cầu xét nghiệm đối với người từ nơi khác vào TP.HCM, Hà Nội khi có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ vùng dịch.

Dương Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm