Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Được tiêm vaccine, học sinh TP.HCM có thể tới trường sớm hơn

Theo kế hoạch, học sinh TP.HCM sẽ học trực tuyến hết học kỳ I. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết sau khi tiêm đủ 2 mũi, TP sẽ xem xét cho học sinh đi học trở lại.

Ngày 27/10, TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi. Để đảm bảo an toàn, thành phố lựa chọn thí điểm tại quận 1 và huyện Củ Chi, trước khi nhân rộng sang các nơi khác.

Trong chuyến kiểm tra tiêm chủng tại trường Tiểu học cơ sở thị trấn Củ Chi sáng nay, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chia sẻ với báo chí về kế hoạch của thành phố trong công tác tiêm vaccine và cho phép học sinh đến trường.

Sớm tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi trên toàn TP

- Thưa ông, khi triển khai tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi, TP.HCM có lo lắng gì không?

- Hôm nay, TP.HCM thí điểm trước tại huyện Củ Chi và quận 1. Lý do bởi quận 1 ở trung tâm, có điều kiện cơ sở vật chất, mật độ dân số cao; còn Củ Chi là vùng xanh của thành phố, có công tác tổ chức tiêm vaccine rất tốt, nhiều trường học đạt chuẩn. Thành phố triển khai tại 2 nơi này đầu tiên với mục đích rút kinh nghiệm.

Đến nay, TP đã hoàn thành gần 13 triệu mũi tiêm. Tuy nhiên, đối tượng được tiêm hôm nay rất đặc biệt nên việc tổ chức phải kỹ lưỡng, cẩn thận, chăm lo cho các em về tâm lý, chuẩn bị sức khỏe trước khi đến tiêm và quan tâm theo dõi sau tiêm.

TP.HCM được Bộ Y tế cho phép thí điểm đầu tiên trước khi cả nước đồng loạt tiêm cho trẻ trước 18 tuổi vào đầu tháng 11. Mục đích là xem thử cách tổ chức nào tốt nhất cho các cháu với tiêu chí thoải mái, yên tâm.

tiem vaccine cho tre em anh 1

Phó chủ tịch Dương Anh Đức hỏi thăm sức khỏe một học sinh sau khi tiêm vaccine. Ảnh: Duy Hiệu.

- Sau khi thí điểm, TP.HCM có kế hoạch mở rộng việc tiêm vaccine cho trẻ thế nào?

- Sau hôm nay và ngày mai, nếu 2 nơi thí điểm tổ chức ổn thì sẽ tiêm trên quy mô toàn thành phố. Thực tế tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức đã được yêu cầu chuẩn bị cho công tác tiêm chủng. Nhiều đơn vị cũng đã sẵn sàng và mong muốn tổ chức tiêm ngay.

Thành phố sẽ cân nhắc sau khi khảo sát, rút kinh nghiệm thực tế từ huyện Củ Chi và quận 1 để điều chỉnh hướng dẫn trong quy trình tiêm sao cho đảm bảo an toàn, thuận lợi cho các em.

Hiện, TP.HCM hoàn toàn chủ động số vaccine mũi 1 cho trẻ 12-17 tuổi theo kế hoạch. Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 26/10 cũng cho biết đã chuẩn bị đủ nguồn vaccine với khu vực trọng yếu để đảm bảo tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, đặc biệt ở khu vực phía nam.

Trường học sẽ mở cửa trở lại theo lộ trình

- Sau khi triển khai tiêm vaccine, thành phố dự kiến khi nào cho học sinh đi học trở lại?

- TP.HCM luôn hướng đến việc tạo ra điều kiện học tập tốt nhất để học sinh đi học trở lại càng sớm càng tốt. Một trong những điều kiện là phải có sự an toàn, an tâm nhờ phủ vaccine.

Khoảng 3 tuần kể từ khi tiêm mũi 1, các cháu có thể tiếp tục tiêm mũi 2. Sau 2 tuần tiêm đủ mũi, tức 5 tuần kể từ bây giờ, có thể yên tâm là học sinh được bảo vệ bởi vaccine.

Thực tế, TP.HCM tốt nhất nên đợi sau khi tiêm đủ 2 liều vaccine. Thành phố mong muốn phụ huynh tin tưởng rằng việc đầu tiên thành phố nghĩ đến là sự an toàn cho học sinh trong mọi điều kiện.

tiem vaccine cho tre em anh 2

Phó chủ tịch Dương Anh Đức trong buổi kiểm tra điểm tiêm cho trẻ 12-17 tuổi tại Củ Chi sáng 27/10. Ảnh: Duy Hiệu.

Tuy nhiên, việc trở lại trường còn phụ thuộc nhiều yếu tố và có lẽ sẽ theo lộ trình, có thể không nhất thiết đồng loạt trên toàn thành phố. Tinh thần của thành phố là an toàn đến đâu, mở cửa đến đó.

Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường và các quận, huyện khẩn trương khôi phục lại hiện trạng trường học từng được trưng dụng làm cơ sở thu dung điều trị, khu cách ly. Các trường cũng đang được tập huấn, chuẩn bị cho quy trình trường học an toàn. Các đơn vị đã chứng minh được sự an toàn, có quy trình chuẩn bị tốt có thể xem xét để cân nhắc mở lại.

Trên tinh thần đó, tới giờ, chưa thể nói khi nào các trường học có thể mở lại nhưng thành phố sẽ làm khẩn trương nhất, khi thấy đủ an toàn thì thành phố sẽ cân nhắc dưới sự tham mưu của các bộ phận chức năng, ra quyết định kịp thời.

Chúng ta biết rằng học trực tuyến thế nào cũng không bằng trực tiếp. Do đó, cần cố gắng phấn đấu khôi phục trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể để các em được tiếp thu trong môi trường tốt nhất.

- Hiện, còn một tỷ lệ nhỏ phụ huynh chưa đồng thuận tiêm vaccine cho trẻ. Thành phố có thông điệp gì muốn gửi tới các phụ huynh?

- Chính sách tiêm vaccine của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung là tự nguyện. Mỗi người có quyền quyết định tiêm hay không tiêm và phải cân nhắc lợi, hại. Với người chưa đủ 18 tuổi, đây là quyền và trách nhiệm của phụ huynh.

Chúng tôi mong muốn phụ huynh xem xét, cân nhắc, đặt lợi ích cho con em mình và cộng đồng lên trên hết. Bởi thứ nhất, theo nghiên cứu, người tiêm vaccine được bảo vệ tốt. Thứ hai, người tiêm vaccine vẫn có thể lây nhưng khả năng lây lan cho người khác giảm hẳn so với người mắc nhưng chưa tiêm vaccine.

Như vậy, việc tiêm vaccine vừa bảo vệ cho chính mình, vừa tạo lợi ích cho cộng đồng, xã hội khi giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

tiem vaccine cho tre em anh 3

Học sinh huyện Củ Chi được tiêm vaccine sáng 27/10. Ảnh: Duy Hiệu.

Ngoài ra, giả sử tổ chức đi học lại có thể sẽ xuất hiện sự so sánh giữa các học sinh trong lớp. Theo thống kê, 93% phụ huynh đồng ý cho con em mình tiêm vaccine. Với một số em chưa được tiêm, khi đi học trở lại có thể sẽ có sự lo lắng về tâm lý, ví dụ như có người được bảo vệ, có người chưa được bảo vệ. Phụ huynh cần cân nhắc kỹ việc này.

Hiện, thành phố sử dụng vaccine Pfizer theo đúng chỉ định của Bộ Y tế để tiêm cho trẻ. Đây cũng là vaccine đầu tiên trên thế giới được cấp phép để tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi.

Ở Mỹ, lộ trình tiêm cũng tương tự Việt Nam khi tiêm cho người trên 18 tuổi trước, sau đó là người vị thành niên 12-18 tuổi. Gần đây, Mỹ cấp phép tiêm Pfizer cho trẻ từ 5 tuổi trở lên.

Hiện, Việt Nam tổ chức tiêm cho trẻ trên 12 tuổi thể hiện sự thận trọng của Bộ Y tế và các ngành chức năng. TP.HCM sẽ luôn tuân thủ theo các chỉ đạo chuyên môn và lộ trình của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch với tinh thần khẩn trương nhất có thể.


Thiệt hại nặng do dịch, TP.HCM làm gì để giữ vị thế đầu tàu kinh tế?

Chuyên gia cho rằng sau thời gian dài giãn cách, doanh nghiệp TP.HCM và nhiều tỉnh, thành đang rất cần gói hỗ trợ kịp thời, giống như người bệnh cần oxy để hồi phục.

Thu Hằng

thực hiện

Bạn có thể quan tâm