Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bình Dương lên phương án kiểm soát nếu dịch Covid-19 bùng phát lại

Bình Dương thành lập trạm y tế lưu động, tăng cường nhân lực y tế, đầu tư cơ sở vật chất tại các bệnh viện tầng 1, 2, 3... là phương án chuẩn bị nếu dịch bùng phát lại.

Bình Dương đã trải qua gần 4 tháng ứng phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn và nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Từ ngày 20/9, tỉnh từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục kinh tế và thích ứng an toàn với Covid-19.

Với số ca nhiễm vẫn ở mức cao, việc nới lỏng giãn cách xã hội khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

Ngày 27/10, trao đổi với Zing, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết khi Bình Dương mở lại các dịch vụ, tỉnh đã lường trước tình huống có thể dịch sẽ bùng phát trở lại.

Theo ông Chương, trường hợp dịch bùng lên thì Bình Dương cũng có những tia hy vọng như tỷ lệ tiêm vaccine ở địa phương này rất cao. Hiện, tỉnh đã phủ vaccine mũi một cho 100% dân số trên 18 tuổi, vaccine mũi 2 đạt 70% và sẽ hoàn thành khi tỉnh được Bộ Y tế phân bổ kịp thời vaccine thời gian tới.

"Sau khi người dân được tiêm vaccine thì tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm 80%", ông Chương nói và nhận định khi người dân tập trung ở những nơi đông người như nhà trọ, công ty hoặc quán ăn, nhà hàng thì dịch vẫn có thể lây lan cho nhiều người. Tuy nhiên, với tình trạng hiện tại nếu lây nhiễm thì đa số sẽ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; rất ít trường hợp có triệu chứng nặng phải nằm viện.

Về chiến lược sống chung, thích ứng an toàn với Covid ở Bình Dương, theo ông Chương, ngoài biện pháp cách ly, truy vết như trước đây, Bình Dương tập trung chủ yếu vào vấn đề điều trị, đặc biệt là điều trị từ tuyến cơ sở. Cụ thể, tỉnh sẽ thành lập thêm những trạm y tế lưu động, tăng cường y tế bệnh viện tầng 1, tầng 2 ở tất cả các huyện, thị; đầu tư cơ sở vật chất để điều trị tốt bệnh nhân tầng 3 nhằm hạn chế tử vong.

Người đứng đầu ngành y tế Bình Dương cho biết nếu dịch bùng phát trở lại tỉnh sẽ không thành lập các bệnh viện dã chiến quy mô như trước nữa. Thay vào đó, Bình Dương sẽ cho bệnh nhân cách ly tại nhà, các bệnh nhân có triệu chứng sẽ được điều trị tại bệnh viện.

Hiện, Bình Dương đã chuẩn bị sẵn cơ sở y tế tại các bệnh viện, hệ thống bệnh viện tầng 2 ở các tuyến huyện. "Nếu có bệnh nhân nặng, ngành y tế sẽ sắp xếp chỗ để điều trị, không bối rối và bị động như đợt dịch vừa qua", ông Chương nói.

Về năng lực y tế ở địa phương, theo ông Chương, Bình Dương đã tăng cường tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng nhằm tăng cường nhân lực trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời đẩy mạnh việc thành lập các trạm y tế lưu động trên toàn tỉnh.

Binh Duong len phuong an kiem soat dich,  dich Covid-19 bung phat lai,  Giam doc So Y te Binh Duong anh 1

Người dân Bình Dương ra đường mua thực phẩm sau khi tỉnh trở lại bình thường mới hồi tháng 10. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trước đó, ngày 22/10, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản hỏa tốc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Theo đánh giá cấp độ dịch của Sở Y tế Bình Dương, tính đến ngày 21/10 tỉnh này không có xã thuộc nguy cơ cấp độ 4 (vùng đỏ), tỉnh ở cấp độ 2 (vùng vàng).

Do đó, Bình Dương cho phép nhà hàng, quán ăn được hoạt động tại chỗ ở các vùng có cấp độ 1, 2 và 3. Riêng đối với vùng cấp độ 4 (vùng đỏ) chỉ được bán mang đi. Tất cả các vùng khi mở bán đều phải đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Ngoài ra, hoạt động bán vé số dạo, hàng rong được hoạt động ở vùng 1 và 2; dịch vụ karaoke, massage được hoạt động lại có điều kiện.

Phố ẩm thực ở Bình Dương kín khách trở lại

Các tuyến đường khu Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) nổi tiếng với những nhà hàng, quán ăn đông đúc nay đã sôi động trở lại sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch.

Chốt phương án đi lại giữa TP.HCM và 4 tỉnh lân cận

Sở GTVT TP.HCM và tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh cho người lao động di chuyển liên tỉnh theo đoàn hoặc xe cá nhân. Riêng Đồng Nai chưa cho phép xe cá nhân lưu thông.

Dương Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm