Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Binh đoàn shipper nuôi sống người Trung Quốc trong đại dịch Covid-19

Mua đồ ăn và các mặt hàng cần thiết khác qua mạng đã trở thành thói quen của rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ngay từ trước khi dịch Covid-19 bùng lên từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Theo South China Morning Post, khi nghe loáng thoáng tin một căn bệnh truyền nhiễm lây lan ở trung tâm thành phố Vũ Hán, ông Liu Yilin, một giáo viên về hưu, nhanh chóng mua tích trữ gạo, dầu ăn, mì, thịt lợn và cá khô. Nhờ đó, người đàn ông 66 tuổi tránh được cảnh phải chen chúc mua hàng ở các siêu thị khi Vũ Hán bị phong tỏa cuối tháng 1.

Nhưng sau một thời gian dài bị chôn chân trong nhà, nguồn thực phẩm tích trữ của ông Liu cũng dần cạn kiệt. Lúc này, ông mới nhận ra sự tiện lợi của dịch vụ giao hàng tận nhà. "Dịch vụ giao hàng trực tuyến thật có ích trong trong thời gian khủng hoảng như thế này”, ông Liu chia sẻ.

Trong thời gian Vũ Hán bị phong tỏa, người dân không được phép ra khỏi khu dân cư của mình. Mọi liên lạc đều được thực hiện qua Internet. Cư dân đặt hàng qua mạng với nông dân, tiểu thương hoặc siêu thị. Các nhân viên cộng đồng nhận hàng từ người chuyển phát rồi giao tới từng nhà.

Mỗi buổi sáng, ông Lưu đưa một mảnh giấy có tên, số điện thoại và số đặt hàng của mình cho một nhân viên cộng đồng. Người này thu nhận hàng từ nhân viên chuyển phát tại cổng khu dân cư.

dich vu giao hang tai nha o Trung Quoc anh 1

Nhân viên cộng đồng kiểm tra thực phẩm từ siêu thị trước khi đem đi giao cho người dân ở Vũ Hán hôm 25/2. Ảnh: Getty Images.

Vai trò cực kỳ quan trọng trong dịch bệnh

South China Morning Post dẫn lời nhà kinh tế chính trị Hu Xingdou ở Bắc Kinh nhận định dịch vụ giao hàng tận nhà đóng vai trò cực kỳ quan trọng tại Trung Quốc trong thời điểm dịch bệnh hoành hành. "Dịch vụ này giúp người dân không chết đói khi chính quyền nhiều địa phương áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để cách ly các cộng đồng”.

Với mật độ dân số cao ở các đô thị, lực lượng lao động dồi dào và người tiêu dùng cởi mở với cuộc sống trên mạng, Trung Quốc đã xây dựng được một mạng lưới giao hàng tận nhà quy củ và phát triển. Các công ty công nghệ rót vốn đầu tư vào phần cứng, phần mềm và cải thiện hệ thống dữ liệu để dự báo chính xác hành vi, sở thích của người tiêu dùng.

Giáo sư Mark Greeven thuộc Trường Kinh doanh IMD (Lausanne, Thụy Sĩ) nhận định: “Giao bưu phẩm, đồ ăn hay thuốc men, Trung Quốc có một hệ thống giao hàng cực kỳ phát triển, hơn nhiều nơi khác trên thế giới”.

Trên thực tế, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, người tiêu dùng Trung Quốc đã quen với công nghệ kỹ thuật số trong cuộc sống hàng ngày, từ mua sắm, kinh doanh cho đến thanh toán trực tuyến hay sử dụng dịch vụ công. "Các tiện ích hoạt động hiệu quả khi nhu cầu bùng nổ trong dịch bệnh", ông Greeven đánh giá.

Theo JD.com, một trong những công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc, nhu cầu mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tại nhà bùng nổ tại Trung Quốc khi dịch Covid-19 lan rộng.

dich vu giao hang tai nha o Trung Quoc anh 2

Các nhân viên giao hàng ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: AFP.

JD.com bán khoảng 220 triệu mặt hàng từ ngày 20/1 đến 28/2, chủ yếu là các loại ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa. Đơn hàng thịt bò và gà tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Tang Yishen, người đứng đầu chuỗi thực phẩm tươi JD Fresh, cho biết: “Đại dịch Covid-19 bùng phát đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm tươi sống tăng vọt. Đây là cơ hội để các tập đoàn thương mại điện tử thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống của khách hàng, đồng thời tạo lòng tin với các nhà cung cấp”.

Trong khi đó, hãng Meituan Dianping cho biết doanh số của mảng dịch vụ bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Meituan Instashopping tăng trưởng tới 400% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng phổ biến bán ra từ ngày 26/1 đến 8/2 là khẩu trang, chất khử trùng, trái cây tươi, quýt và khoai tây cắt sẵn.

Giao hàng không tiếp xúc

Tương tự, dịch vụ giao đồ ăn Ele.me cho biết các đơn hàng thực phẩm đông lạnh tăng 6 lần, sản phẩm chăm sóc thú cưng tăng 5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Số đơn hàng thực phẩm tươi tăng 181%, đồ uống và đồ ăn nhẹ tăng lần lượt 101% và 82%.

Dịch Covid-19 đã giúp các công ty thương mại điện tử Trung Quốc chinh phục khách hàng. Nhà phân tích chiến lược Sofya Bakhta thuộc Daxue Consulting (Thượng Hải) đánh giá ngành phân phối thực phẩm Trung Quốc đã hạn chế đáng kể sự tiếp xúc gần với khách hàng trong dịch bệnh.

Nhân viên giao hàng để hàng trước cổng các tòa nhà, trong thang máy hoặc bất kỳ nơi nào theo yêu cầu của khách hàng, thay vì giao tận tay như trước đây. Một số công ty khác sử dụng công nghệ cao để phục vụ giao hàng.

Ví dụ ở Bắc Kinh, Meituan sử dụng xe tự lái để giao đồ ăn cho khách hàng. Hãng còn dùng bìa các tông làm lá chắn ngăn chặn giọt bắn khi khách hàng dùng bữa tại nơi làm việc. Ở Thượng Hải, Ele.me sử dụng máy bay không người lái giao hàng cho khách tại những khu vực bị cách ly nghiêm ngặt.

Bà Sandy Shen, Giám đốc nghiên cứu cấp cao của Gartner, cho biết nhiều nhà hàng, chuỗi bán lẻ và cơ sở kinh doanh dịch vụ ở Trung Quốc cho các công ty giao đồ ăn "mượn" nhân viên để đáp ứng nhu cầu giao hàng bùng nổ trong dịch bệnh.

dich vu giao hang tai nha o Trung Quoc anh 3

Trong dịch Covid-19, người dân phải cách ly xã hội, còn các nhân viên giao hàng liên tục có mặt trên đường phố. Ảnh: AFP.

“Việc chuyển đổi linh hoạt này không chỉ đáp ứng được nhu cầu cực lớn của dịch vụ giao hàng tận nơi, mà còn giúp các công ty khác đảm bảo người lao động vẫn được trả lương khi dịch bệnh làm nền kinh tế tê liệt”, bà Shen cho biết.

Mo Xinsheng, từng làm phụ bếp tại một nhà hàng ở Bắc Kinh, là một trường hợp như vậy. Sau khi nhà hàng đóng cửa, anh được "cho mượn" tại một công ty vận chuyển hàng hóa. “Tôi cần kiếm tiền sống qua ngày, cũng muốn giúp đỡ những người đang bị mắc kẹt tại nhà”, anh Mo chia sẻ.

“Trước khi vào mỗi khu chung cư, tôi được kiểm tra sức khỏe cẩn thận. Tôi làm việc quần quật suốt 10 tiếng mỗi ngày trong cái rét của mùa đông Bắc Kinh để đổi lấy vài nghìn nhân dân tệ mỗi tháng. Nhưng đây là một công việc quan trọng, và tôi vẫn kiếm được tiền để cầm cự qua đại dịch”, anh nói.

Thế giới Di động sắp tung dịch vụ giống Grab, Now

Tập đoàn Thế giới Di động cho biết sắp ra mắt ứng dụng "đi chợ thay" với Bách Hóa Xanh trong mùa dịch. Nhân viên công ty sẽ mua hộ và giao hàng trong thời gian ngắn cho khách.

Hàng quán ở TP.HCM dùng cần câu thu tiền, giao hàng để tránh Covid-19

Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số quán xá ở TP.HCM chuyển sang hình thức giao hàng và còn tự chế dụng cụ để tránh giao hàng, nhận tiền trực tiếp.

Hương Giang

Bạn có thể quan tâm