Chiều 31/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Lâm Hải Giang - ký văn bản yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ 0h ngày 1/6, các địa phương tạm dừng các quán ăn, uống vỉa hè (chỉ cho bán hàng mang về) và hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Du khách, người dân hạn chế tắm biển và các hoạt động tập trung đông người trên bãi biển.
Người dân và du khách tắm biển Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Minh Hoàng. |
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà (nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, giải khát…) nhận khách không quá 50% số bàn hiện có, các bàn bố trí giữ khoảng cách tối thiểu là 2 m, người ngồi cùng bàn giữ khoảng cách tối thiểu 1 m hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và quét mã QR-Code (hoặc đăng ký thông tin) đối với khách hàng.
Các nhà hàng, quán ăn không được tổ chức hát karaoke, nhạc sống tại quán; nhân viên phục vụ phải thực hiện 100% việc đeo khẩu trang khi làm việc.
Địa phương nào để xảy ra dịch bệnh lây lan từ các hoạt động đã tạm dừng hoặc do không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Công an tỉnh Bình Định hỗ trợ lực lượng cho các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và xử lý nghiêm các vi phạm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ 0h ngày 31/5, các địa phương ở Bình Định áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo quy định (21 ngày) đối với người đến/về Bình Định từ các khu vực, điểm dịch và vùng phong tỏa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Địa phương này cũng áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo quy định (14 ngày) đối với người đến/về Bình Định từ các khu vực còn lại thuộc TP.HCM. Bình Định tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách tuyến cố định, xe du lịch, xe hợp đồng, taxi từ Bình Định đi TP.HCM và ngược lại.