2020 là năm thành công với BigDaddy nói riêng và rapper nói chung. Ngay sau King of Rap, anh tiếp tục đảm nhận vai trò huấn luyện viên trong Giọng hát Việt nhí New Generation.
BigDaddy tâm sự anh và đồng nghiệp đã chờ đợi nhiều năm qua để thấy sự bùng nổ của rap. Ông xã Emily dự đoán rap duy trì sức nóng trong nhiều năm tới bởi rapper đang ấp ủ nhiều dự án.
"Chúng tôi không áp lực trước đội Hồ Hoài Anh, Vũ Cát Tường"
- Qua những tập đầu tiên của Giọng hát Việt nhí, hầu hết thí sinh rap trong các phần thi. Anh đánh giá thế nào về kỹ năng rap của các thí sinh?
- Bởi ảnh hưởng của King of Rap, trong những tập đầu tiên, các bé chọn rap một đoạn hoặc nhiều phần trong tiết mục dự thi. Đây là tín hiệu vui cho hip hop. Một cuộc thi rap dành cho trẻ em không phải vấn đề gì quá hà khắc khi các bé dùng những nội dung phù hợp với độ tuổi.
Điều quan trọng, các bé phải thích mới sử dụng rap trong phần thi. Có những bạn được viết hộ nhưng đây là vấn đề của giám đốc âm nhạc. Giám đốc âm nhạc sắp xếp và hỗ trợ bài dự thi của các bé.
- Bản chất của rap là nói lên góc nhìn, quan điểm của các rapper. Nếu các bé chỉ rap theo ca khúc do người khác viết thì liệu có đúng tính chất của rap?
- Cốt lõi của rap vẫn nên là tự viết. Tuy nhiên, hầu hết thí sinh còn quá nhỏ để có thể tự viết ra được nội dung của phần rap. Để đảm bảo chất lượng của chương trình, tôi nghĩ nên có những người viết hộ các bé, kiểu ghostwriter - người viết ma (PV: Những người được thuê viết). Kể cả trên thế giới, nhiều rapper có ghostwriter rất đỉnh mà họ không hề để lộ ra.
- Trong nhiều tiết mục dự thi, anh bấm chọn khi thí sinh thể hiện phần rap. Có vẻ rap là tiêu chí quan trọng nhất để anh chọn lựa?
- Các bé nếu rap thì tốt, dù sao tôi cũng là rapper. Nhưng không có cũng không sao.
- Trong cuộc chiến 3 chọn, team Bigfamily hơi yếu thế. Hai đội huấn luyện viên còn lại đang có những thí sinh mạnh nhất. Anh chia sẻ gì?
- Đây là lần đầu tiên vợ chồng tôi ngồi ghế nóng Giọng hát Việt nhí, trong khi đó anh chị Hồ Hoài Anh, Lưu Hương Giang hay Vũ Cát Tường có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt trong cách nói chuyện với thí sinh. Hơn nữa, đội Giang - Hồ nhiều lần dẫn dắt thí sinh trở thành quán quân, do đó, các bé có thể có tâm lý vào đội anh chị dễ chiến thắng hơn.
Chúng tôi không áp lực trước điều đó và có chiến thuật riêng. Vợ chồng tôi tham gia cuộc thi với tinh thần thoải mái. Nếu các bé còn thiếu sót kỹ năng, chúng tôi hướng dẫn.
BigDaddy cùng Emily ngồi ghế nóng Giọng hát Việt nhí. |
Chúng tôi cũng là phụ huynh và lần đầu được tham gia một chương trình dành cho trẻ em. Với tôi đây là trải nghiệm để tôi hiểu hơn về sở thích, đam mê, tư duy của các bạn nhỏ. Tôi có thể nhận ra nhiều điều bổ ích để áp dụng trong phương pháp dạy dỗ, trò chuyện với hai bé ở nhà.
Đặc biệt, lần này tôi ngồi ghế nóng cùng vợ. Giọng hát Việt nhí là sân chơi dành cho các bạn nhỏ, Emily sẽ bù đắp cho tôi những thiếu sót.
- Thiếu vắng những thí sinh mạnh, anh có lo ngại team anh đuối sức khi đối đầu trực tiếp với đội Hồ Hoài Anh hay Vũ Cát Tường trong những vòng tiếp theo?
- Tôi lại nghĩ nếu có quá nhiều nhân tố mạnh sẽ gặp khó khăn trong việc sắp xếp các thí sinh đối đầu với nhau ở những vòng sau.
- Hồ Hoài Anh là giám đốc âm nhạc ở nhiều chương trình cũng nhiều lần dẫn dắt thí sinh Giọng hát Việt nhí trở thành quán quân. Như anh nói thí sinh có tâm lý chọn về đội Hồ Hoài Anh để ăn chắc phần thắng. Theo anh, như thế liệu cuộc thi có còn cân sức, công bằng và hấp dẫn?
- Ở những mùa trước, rõ ràng thí sinh về đội anh Hoài Anh có nhiều thuận lợi. Anh ấy là nhà sản xuất âm nhạc giỏi với nhiều năm kinh nghiệm, đồng hành với nhiều cuộc thi nên hiểu được thí sinh. Tuy nhiên, năm nay Giọng hát Việt nhí mang tinh thần New Generation nên tôi nghĩ team tôi có những lợi thế riêng.
- Trong tập 1, Emily gây tranh luận khi nói anh là rapper duy nhất ở Giọng hát Việt nhí và bỏ quên MC Ill. Anh chia sẻ sao về vấn đề này?
- Trước khi tham gia chương trình và biết thông tin các HLV khác, Ly có hỏi tôi Hưng Cao là ai. Tôi trả lời Hưng Cao là người hay tổ chức các cuộc thi battle rap. Anh ấy cũng là thầy giáo ngoại ngữ, thỉnh thoảng ra track nhưng không nhiều. Có thể vì ý đó, Ly hiểu nhầm Hưng Cao không phải rapper. Tôi nghĩ đó là chi tiết vui của chương trình chứ không có gì căng thẳng.
- Anh và MC Ill là 2 rapper duy nhất ở chương trình, sự so sánh ở những vòng tiếp theo trong cách dẫn dắt thí sinh, đặc biệt với phần rap là khó tránh khỏi. Anh đối mặt thế nào với tình huống này?
- Tôi không phủ nhận việc Hưng Cao có bộ kỹ năng rap rất tốt. Tuy nhiên đây là cuộc thi âm nhạc và việc kết hợp giữa hát với rap cần có sự hiệu quả. Chúng tôi với tư cách HLV, mỗi người sẽ có cách huấn luyện riêng.
Ngoài khuôn khổ cuộc thi, dù không phải bạn bè, nhưng tôi tôn trọng những gì Hưng Cao đã làm cho cộng đồng chơi rap miền Bắc nói riêng. Rất nhiều thí sinh tham dự King of Rap đến từ những cuộc thi do Hưng Cao tổ chức.
"Cát-xê ngày đầu đi diễn là 500.000 đồng chia 3 người"
- Sau thành công của 2 chương trình King of Rap và Rap Việt, rap bùng nổ ở thị trường âm nhạc Việt. Nhiều rapper tăng mạnh cát-xê. Cảm xúc của anh thế nào trước thành công hiện tại của rap?
- Tôi thấy đây là tín hiệu tốt, nhưng lẽ ra phải sớm hơn. Chúng tôi chơi rap từ nhiều năm về trước, chưa kể trước tôi có nhiều đàn anh gắn bó với rap từ thuở sơ khai. Các đàn anh của tôi chơi rap như thể đi trong bụi rậm. Chính họ đã cầm dao phát quang những bụi rậm rồi dần khai phá ra con đường.
Có nhiều đồng nghiệp của tôi đã bỏ giữa chừng, may mắn tôi đi được con đường dài 14 năm. Bây giờ là lúc để tôi nhìn thấy sự phát triển của rap. Các bạn trẻ hiện giờ may mắn hơn. Nếu các bạn có tài năng, sự update, tư duy trong âm nhạc sẽ được đền đáp xứng đáng.
Năm 2020, anh đảm đương vị trí huấn luyện viên ở King of Rap. |
- Anh đã trải qua những khó khăn, thử thách như thế nào trong suốt 14 năm qua?
- Bài nhạc lần đầu tôi làm năm 2007. Khi đó, chúng tôi làm nhạc rất sơ sài, thường tự tải beat trên mạng rồi viết lời và người ta hay gọi là nhạc chế. Khi đó, viết được một bài, tôi cảm thấy rất hạnh phúc dù không có nhiều công cụ và viết lời rất đơn giản.
Chỉ đọc bình luận trên mạng tôi đã vui mừng chứ không quan tâm đến việc kiếm tiền hay phát triển từ âm nhạc. Thậm chí, những ngày đầu tiên tôi đi diễn cùng 2 người bạn trong nhóm, cát-xê chỉ là 500.000 đồng.
Tôi chỉ đăng nhạc cho vui mà không kiếm được tiền. Có nhiều bên lấy nhạc của chúng tôi để kinh doanh nhưng tôi không hề hay biết. Đến khi biết thì những bài đó đã thuộc quyền sở hữu của bên khác rồi.
Tôi cứ bước đi như vậy cho đến một ngày gặp may mắn, bài hát của tôi như Tình yêu màu nắng, Nóng… được yêu thích, khán giả đón nhận và giành giải thưởng âm nhạc. Sau đó, tôi vào TP.HCM và là một trong những rapper đi theo con đường chuyên nghiệp. Từ đó, tôi mới sống được bằng nghề và trang trải cuộc sống bằng nguồn thu kiếm được từ âm nhạc.
- Gia đình phản ứng thế nào khi anh theo đuổi một công việc không phổ biến ở những năm cuối thập niên 2000, thậm chí khó kiếm tiền nuôi sống bản thân như rap?
- Ngày xưa gia đình không ủng hộ. Bố mẹ luôn cản chúng tôi theo rap, thậm chí có những người phải chống đối gia đình. Lúc đó tôi khoảng 20-21 tuổi. Khi phát hiện tôi chửi nhau trên mạng xã hội, phản ứng bố mẹ càng gay gắt hơn. Tôi cũng hiểu phản ứng của gia đình bởi không có phụ huynh nào thích con mình chửi bới trên mạng. Tuy nhiên, để đỡ bị áp lực, tôi không bao giờ dám nghe điện thoại của bố mẹ.
- Đến bao giờ bố mẹ mới thay đổi quan điểm, ủng hộ anh đi theo âm nhạc?
- Đến khi tôi bắt đầu đi diễn và ngừng xin tiền gia đình, tức năm tôi 23 tuổi. Đến 2014, tôi Nam tiến và tự lo được cho bản thân. Tôi nghĩ sau 2 chương trình rap vừa qua, phụ huynh của các rapper cởi mở hơn với công việc này.
- Sự bùng nổ của rap kéo theo nhiều tranh cãi, chẳng hạn việc Torai9 bị fan Rhymastic tấn công sau battle rap hay một số rapper trẻ như MCK bị chỉ trích phát ngôn ngông cuồng. Khán giả cho rằng danh tiếng khiến rap mất đi tính chất vốn có và sau này có lẽ không rapper nào dám rap diss nữa. Suy nghĩ của anh thế nào?
- Tôi có chứng kiến vụ việc giữa Torai9 và Rhymastic. Đó là chuyện rất bình thường và là đặc trưng của rap. Họ không đồng quan điểm với nhau, người này tấn công, người kia đáp trả là lẽ dĩ nhiên. Tuy nhiên, việc rap fan tấn công vào công việc làm ăn là không nên. Dù sao, 2 người đã ra những track nhạc hay để phục vụ khán giả. Tôi nghĩ khán giả không nên đi sâu vào đời tư.
"Không phải cứ là rapper thì ngông cuồng, chửi bậy"
- Với trường hợp MCK, nhiều ý kiến bình luận rapper một khi lên truyền hình, kiếm tiền từ khán giả thì không thể ngông cuồng, văng tục. Theo anh thì sao?
- Với MCK, bạn ấy vẫn còn trẻ và trẻ thì “young, wild and free”, có sự ngông cuồng nhất định. Tôi nghĩ bạn ấy muốn sống đúng với con người của bạn lúc ấy. Và cũng có thể sau chuyện đó, bạn sẽ rút ra những kinh nghiệm.
Ngày xưa trẻ, tôi cũng vậy thôi, có những phát ngôn không hay, thậm chí động chạm những người xung quanh. Tôi nghĩ cách hành xử phụ thuộc vào tính cách, quan điểm của mỗi người trong mỗi giai đoạn chứ không phải cứ rapper là ngông cuồng, chửi bậy.
BigDaddy là một trong những rapper thành công nhất Việt Nam. |
- BigDaddy từng ganh tỵ, diss những người anh em từ underground lên mainstream. Nhưng rồi chính anh lại theo con đường đó. Điều gì khiến anh thay đổi?
- Khi đó, tôi mới 18-20 tuổi. Tôi quan điểm những người bạn lên mainstream là mất chất. Không phủ nhận tôi đã có những track tấn công người bạn của mình. Sau đó, tôi nhận ra quan điểm của mình ở tuổi 18-20 có thể không đúng và rồi tôi đi theo con đường mình từng chỉ trích. Nếu không thay đổi quan điểm, tôi nghĩ mình sẽ trở thành người bảo thủ và có khi giờ tôi đã làm một công việc khác chứ không phải âm nhạc.
- Sẽ có những người chê bai, chỉ trích anh “không giữ vững lập trường” hoặc “mong nổi tiếng đến mức đi ngược những gì mình tuyên bố”?
- Quan điểm sẽ luôn thay đổi theo thời gian. Tôi không hối tiếc với những việc làm hồi đó. Nhưng tôi cũng cảm thấy may mắn khi mình đã nhận ra và thay đổi về quan điểm. Có ai làm âm nhạc mà không mong nổi tiếng? Trừ khi họ thấy bản thân không có tố chất đó.
- Thẳng thắn thì tiền bạc và danh tiếng có phải lý do quan trọng nhất khiến anh thay đổi không?
- Tiền bạc có tác động bởi ngoài âm nhạc, tôi không có tài năng gì cả. Với tôi, âm nhạc ngoài là đam mê còn là nguồn sống để tôi nuôi gia đình.
Ngoài ra, bước vào con đường mainstream, tôi thay đổi tư duy làm nhạc. Ngày xưa, tôi làm mọi thứ theo sự bộc phát, có những demo không bao giờ hoàn thành. Sau này tôi học hỏi được nhiều và chuyên nghiệp hơn. Đó là lẽ thường của sự phát triển.
- Theo anh, rap liệu có giữ được sức nóng lâu dài ở thị trường vốn chuộng ballad như Việt Nam?
- Nếu có nhiều người chơi rap và những sản phẩm chất lượng, tôi nghĩ rap có thể duy trì sức nóng, ít nhất trong vài năm tới. Rõ ràng sau thời gian qua, rapper có rất nhiều năng lượng để chuẩn bị tốt cho các sản phẩm.
Tôi nghĩ rap góp phần giúp nhạc Việt đa dạng hơn. Thành công của rap hiện tại là sự phản ánh của cả thế giới chứ không riêng Việt Nam. Bảng xếp hạng âm nhạc nước ngoài hiện tại có tới 4-5 bài rap trong top 10 ca khúc hay nhất. Việt Nam tuy có những đặc thù riêng nhưng may mắn rap, hip hop đang phát triển, được đón nhận.
- Bước sang tuổi 30, BigDaddy đã có mọi thứ, gia đình hạnh phúc, sự nghiệp thành công, nhiều dấu ấn. Còn mục tiêu nào anh chưa đạt được?
- Tôi muốn thực hiện album. Tuy nhiên để làm được album cần rất nhiều thời gian và năng lượng. Rõ ràng với bất cứ nghệ sĩ nào, album quan trọng hơn hẳn việc ra ca khúc, MV. Tôi đang cố gắng để ra mắt sản phẩm sớm nhất có thể. Album là đỉnh cao của người nghệ sĩ.
- BigDaddy khi đứng trên đỉnh cao đó sẽ như thế nào?
- Tôi chưa có thể đào sâu được bản thân. Tôi của vài năm vừa qua đối mặt với khá nhiều áp lực của cuộc sống, từ việc lập gia đình, có con. Do đó, tôi nghĩ mình cần sự mở mang, trải nghiệm mới để có thêm dữ liệu thực hiện album.
Những sản phẩm âm nhạc phản ánh đúng con người tôi hiện tại. Tôi biết có rất nhiều người quan điểm rap là phải gai góc và chia sẻ góc nhìn. Tuy nhiên, đó là quan điểm của họ, còn tôi không có chất đó. Tôi không nghĩ mình cần phải gai góc hay chứng tỏ điều gì cả. Bởi nếu làm thế, tôi không phải là tôi. Cái chất trong rap chính là thể hiện đúng con người mình.