Sau khi bị tố "ngừng nhập hàng Việt", hệ thống Big C của Central Group cho biết đã mở lại đơn hàng cho các doanh nghiệp dệt may trong nước. Tuy nhiên, hệ thống này tiếp tục bị tố dù đã mở đơn hàng, các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa thực hiện được.
Trao đổi với Zing.vn, ông Pradeep Gupta, Giám đốc ngành hàng may mặc của siêu thị GO! và Big C Việt Nam, cho biết tính đến ngày 9/7, tập đoàn đã mở đơn hàng cho 160 nhà cung cấp, vượt số lượng và thời gian đã cam kết trong buổi gặp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (hôm 4/7).
Ông Pradeep Gupta khẳng định Big C đã thực hiện vượt cam kết với Thứ trưởng Bộ Công Thương về việc mở đơn hàng cho nhà cung cấp Việt. |
“Quá trình từ lúc mở đơn hàng đến khi đặt hàng thực tế mất khoảng 2 ngày, nên có thể một số đơn vị sẽ chưa nhận được đơn hàng”, ông cho biết thêm.
Ông cũng khẳng định thời gian tạm ngừng nhập hàng vừa qua chỉ dành cho đơn hàng mới từ ngày 3/7. Với những đơn hàng đã đặt từ trước, kể cả các sản phẩm chỉ mới duyệt mẫu chưa sản xuất, Big C vẫn nhận hàng và tiến hành thanh toán theo hợp đồng.
“Việc tạm ngừng nhập hàng là rất bình thường, trước giờ vẫn vậy, nên chúng tôi nghĩ không cần thiết phải thông báo cho nhà cung cấp trước ngày 2/7”, vị này nói.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn, một số nhà cung cấp cho biết đến chiều 12/7 vẫn chưa nhận được đơn hàng, hoặc nếu có thì giá trị đơn hàng cũng không cao. Một đơn vị sản xuất vừa nhận được đơn hàng từ siêu thị Big C hôm 11/7 (xin được giấu tên) cho biết: "Đơn hàng này không giải quyết được gì, chả thấm vào đâu so với các đợt hàng trước đây”.
Trước tình trạng này, một số doanh nghiệp dệt may cho biết đã phải cho không ít nhân viên thôi việc.
Hiện tại, đại diện Big C cho biết đang tiến hành đánh giá lại khoảng 200 nhà cung cấp hàng may mặc. Theo ông Pradeep Gupta, sau cuộc gặp hôm 4/7, Central Group sẽ hợp tác cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam để tìm kiếm và đánh giá các đơn vị cung cấp chất lượng. Việc đánh giá sẽ do một đơn vị độc lập để khách quan và minh bạch.
Một số tiêu chí được hệ thống này đề cao là chất lượng nguyên phụ liệu đầu vào và thành phẩm, quy mô sản xuất, tiêu chuẩn đóng gói và các yêu cầu pháp lý liên quan…
Sau quá trình đánh giá, Big C sẽ thảo luận riêng với từng đơn vị cung cấp nhằm đảm bảo hợp tác đôi bên cùng có lợi trong tương lai. Hiện tại, một số nhà cung cấp đã nhận được lịch hẹn gặp trao đổi với đại diện Big C Việt Nam.
Đại diện Central Group Việt Nam cho biết tập đoàn đang phát triển mô hình kinh doanh mới cho tất cả đơn vị kinh doanh. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Chúng tôi đang phát triển mô hình mới cho tất cả đơn vị kinh doanh. Mỗi mô hình sẽ có một hình ảnh với tiêu chuẩn chất lượng riêng nhằm mang đến trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng”, ông Pradeep Gupta chia sẻ.
Vị này cũng nhấn mạnh nếu một nhà cung cấp chưa đủ tiêu chuẩn bày bán hàng hóa tại địa điểm này sẽ được hợp tác tại địa điểm khác với mô hình phù hợp hơn.
“Đánh giá nhà cung cấp không phải để tạo rào cản mà để đảm bảo doanh nghiệp lớn lên cùng Big C. Chúng tôi luôn mong muốn tiếp tục làm việc với doanh nghiệp may mặc Việt”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, về phía nhà cung cấp, không ít đơn vị cho biết không còn muốn tiếp tục hợp tác với Big C nữa.
“Từ đây chúng tôi sẽ cần dè chừng nhiều hơn, không thể tin tưởng Big C 100% như trước nữa”, một nhà cung cấp trao đổi với Zing.vn.
Trước đó, ngày 2/7, Central Group, đơn vị chủ quản chuỗi siêu thị Big C Việt Nam, thông báo tạm ngừng nhập hàng may mặc để xem xét tái cấu trúc ngành hàng. Điều này làm dấy lên lo ngại về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc Việt Nam trong thời gian tới.