Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biểu tượng và thực tế về người Hà Nội hào hoa

Chữ “Được” của "các cụ Hà Nội" là ước vọng đạt tới cái toàn bích, nhưng là thứ siêu hình. Huyền thoại người Hà Nội hào hoa cũng là một thứ siêu hình.

Tiêu chuẩn “Được” của những người thế hệ Nguyễn Tuân xét cho cùng không thể đo đếm rõ ràng. Sự cầu kỳ khó nhọc có lúc người Hà Nội tự trào là “cắn cái giá đỗ làm đôi” được phủ bóng từ khuôn phép Nho phong, thứ mà người Việt khi Nam tiến đã phôi phai ít nhiều.

Cũng trong Thiếu quê hương, nhân vật Bạch rủ anh bạn Hồ đến nhà một viên quan vùng sơn cước, dù đã định ở lại giữa cảnh đêm hôm, nhưng chàng ta vẫn phải lựa lời nói rằng mình chỉ ghé qua “xin chén trà nóng, rồi lên đường luôn”, cốt để được vào cái thế người ta phải mời mọc tha thiết.

Kiểu cách “mời gãy lưỡi” này, có sống ở Hà Nội và các vùng quê Bắc Bộ mới thấm hết.

Vì thế, lối khen của “các cụ Hà Nội” vốn không dễ, không xởi lởi hào phóng, nhưng thường được cho là hiểm hóc và đúng chỗ, giống như lời phê thâm ý của các văn nhân lắm chữ thừa thời gian xưa nay.

Nó giống như tiếng roi chầu điểm chuẩn xác cho giọng ca hay hoặc tiếng đàn đáy tuyệt đích: “Không một tiếng nào lép, roi cứ như ôm lấy tang mít, rồi cứ như dán vào mặt da” (Chùa Đàn).

Chữ “Được” xem ra mang một dục vọng đạt tới cái toàn bích, nhưng là thứ siêu hình. Huyền thoại người Hà Nội hào hoa cũng là một thứ siêu hình. Có lẽ vì độ chênh giữa huyền thoại và thực tế mà những người trót phải lòng các biểu tượng thẩm mỹ qua văn chương nghệ thuật dễ thất vọng.

Bản thân tôi nghe không biết bao nhiêu lần các lời chê bai hay cáu giận dành cho người sống ở Hà Nội ngày nay. Tôi không chắc họ sẽ hài lòng nếu sống giữa một không gian có nhiều Nguyễn Tuân như họ vẫn hâm mộ! Không gian ấy vốn dĩ đã luôn chật chội để một cụ Nguyễn tung hoành rồi.

Nguoi Ha Noi anh 1

Sách Hà Nội bảo thế là thường. Ảnh: Nhã Nam.

Chừng như chính bản thân Nguyễn Tuân cũng lường được sự nguy hiểm của ảo tưởng đó khi ông vào miền Nam sau thống nhất, các bạn văn khuyên ông nên tới gặp người phụ nữ bị “Nguyễn Tuân giả” lừa để an ủi cô và nhất là chứng minh Nguyễn Tuân thật là người như thế nào: “Ông đừng xui dại tôi, người ta đang căm giận Nguyễn Tuân giả, mình lại lù lù tìm đến để làm gì, đạt mục đích gì. Biết đâu họ lại nghĩ mình là một Nguyễn Tuân giả khác” (Nguyễn Đăng Mạnh, “Nhà văn Nguyễn Tuân như tôi được biết”). Rút cục, Nguyễn Tuân cũng trở thành tù nhân của phép kinh điển.

Sự khó tính đôi khi bắt nguồn từ một biện pháp thực ra lại có phần tự ti: Trừ hao. Sự lo xa về một kết quả thoạt đầu như ý song qua thời gian mới bộc lộ những nhược điểm đã khiến con người ở vùng đất nhiều vất vả, nhọc nhằn phải tính đến phương án xấu nhất.

Nhỡ đâu vụ mùa năm nay tốt thế lại không đủ cho ngần ấy miệng ăn, nhỡ đâu áng văn được tán tụng ngày này trăm năm sau đã chẳng còn được ai khóc lấy vài trống canh. Khi viết ra khúc Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du chắc cũng có tinh thần trừ hao khi rào đón “lời quê chắp nhặt dông dài”.

Tất nhiên, khi người Việt đã tôn vinh Truyện Kiều, tên gọi giản dị dễ nhớ họ dùng để gọi tác phẩm, họ thừa hiểu câu của Nguyễn Du chỉ là một lối thậm xưng của một người không dễ tính trong văn chương.

Nguyễn Du không để lại nhiều dữ liệu về đời sống riêng, hầu như người đời sau diễn giải con người ông qua các tập thơ chữ Hán (“Không biết hơn ba trăm năm sau/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như”) hoặc qua Truyện Kiều (“Giật mình mình lại thương mình xót xa”).

Câu chuyện chính thống hiếm hoi về ông trong Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Đến khi bệnh kịch, không chịu uống thuốc, sai người nhà mở duỗi chân tay, nói đã lạnh cả, Du bảo rằng: ‘Tốt’, nói xong thì chết” (bản dịch Đỗ Mộng Khương, hiệu đính Hoa Bằng).

Nguyễn Du để lại nhiều tiêu chí về cái đẹp mang tính ước lệ trong văn chương của ông, để rồi câu nhận xét cuối cùng về cái chết của mình cũng đầy tính huyền hoặc. “Tốt” ở đây nghĩa là sự thanh thản? Hay một phép tu từ bí hiểm cuối cùng của Tố Như? Có người cho rằng ông chủ động chọn sự chấm dứt của mình theo “lẽ thường thanh khí xưa nay” của bậc triết nhân.

Thật khó xác quyết được câu chuyện này có nằm trong một hệ thống các truyền kỳ về phút lâm chung của các vĩ nhân hay được tạo ra, nhưng những câu nói “Tốt” hay “Được” của các cụ Nguyễn Du hay Nguyễn Tuân góp vào huyền thoại siêu hình về thẩm mỹ.

Huyền thoại “các cụ bảo thế là được” tạo ra cảm giác tin cậy vào một giá trị bất biến, có tính truyền thống. Mọi sự hoang mang, rối bời khi nhìn vào sự biến đổi chóng mặt của Hà Nội đương đại, kỳ lạ thay, càng củng cố mạnh huyền thoại ấy. Bởi lẽ, huyền thoại đó bao chứa một dung lượng lãng mạn.

Phút lãng mạn mà Nguyễn Tuân yêu cầu cô phiên dịch người Nga Tania đi mua bằng được ba bông hồng đỏ giữa trời mưa tuyết Mạc Tư Khoa để cuối cùng cô bật khóc vì ông dành tặng chính cô - mà ông gọi cô là mon ange gardien (“thiên thần hộ mệnh của tôi”) - đâu khác gì những cơn mơ lộng lẫy có màu sắc phim Hàn Quốc của các thanh nữ Hà thành ngày nay?

Nguyễn Trương Quý / Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn

SÁCH HAY