Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tinh thần 'khó tính' của người có chữ ở Hà Nội xưa

Đằng sau câu chuyện của Nguyễn Tuân trong dịch sách, người ta đọc được một thông điệp đại diện cho tinh thần “khó tính” của người có chữ ở Hà Nội.

Huyền thoại về sự khó tính của người Hà Nội đồng nghĩa với thanh lịch có lẽ một phần nhờ Nguyễn Tuân. Mặc dù được coi như “tiên chỉ” của văn học Việt Nam hiện đại, ông không phải là tác giả sớm được dịch ra tiếng nước ngoài.

Không chỉ bởi độ khó của câu văn thương hiệu Nguyễn Tuân ngay cả đối với người Việt, mà vì cá tính của tác giả này nổi tiếng về độ cao ngạo đến mức đã thành huyền thoại nho nhỏ của làng văn nghệ xứ Bắc.

Văn Nguyễn Tuân thuộc loại cần một “từ điển thẩm mỹ riêng” để đọc, còn con người Nguyễn Tuân thì sao? Cũng lại theo truyền tụng, cụ Nguyễn không dễ “cảm”.

Người dịch văn Nguyễn Tuân đầu tiên ra tiếng Nga (và có lẽ tiếng nước ngoài) là nhà nghiên cứu Marian Tkachev. Khi đó là thời cuối những năm 1950, lúc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa là cánh cửa chủ yếu mở ra giao lưu với thế giới.

Thoạt đầu, “Tkachev không được tự tin. Nguyễn Tuân lại càng nghi ngờ. Nhà văn Việt này không biết tiếng Nga, ông nhờ một người dịch ngược trở lại để ông thẩm định. Và buông một từ ‘Được’”. (Quang Vinh, báo Tiền Phong 22/8/2019).

Chữ “Được” của Nguyễn Tuân, theo Tkachev, nghĩa là “ôchin khơrasô” trong tiếng Nga, nghĩa là rất được! Tất nhiên, ông người Nga này đủ tự tin và có cả sự tin cậy sau 60 năm quen Nguyễn Tuân để có thể hiểu cả những hàm ngôn mà người Việt cũng còn vất vả để luận ra.

Kho tinh nhu nguoi Ha Noi anh 1
  • Ông đồ viết chữ trên phố Hà Nội xưa. Nguồn: Đại Nam Phục Ảnh.

  • Nhưng đằng sau câu chuyện giải mã mức độ hài lòng của Nguyễn Tuân, người ta đọc được một thông điệp đại diện cho tinh thần “khó tính” của người có chữ ở Hà Nội.

    Ở Hà Nội, khó tính không có nghĩa là thoải mái khó tính, mà phải nằm trong một bối cảnh khó tính tương đắc. Một bà cô khó tính phải có một hệ thống họ nhà chồng khó tính làm nền thì vấn đề bà ta săm soi cô dâu mới đích đáng.

    Những cô Mai, cô Loan trong các tiểu thuyết Tự lực văn đoàn làm người đọc thỏa mãn vì họ chiến thắng cả một hệ thống luân lý chứ không chỉ hạ bệ được chỉ đơn thuần các bà Án, bà Phán cùng cả bầy chị em nhà chồng.

    Cuộc tranh biện ở tòa của cô Loan trong Đoạn tuyệt khiến người đọc thấy hả lòng hả dạ còn hơn cả Kiều báo ân báo oán, mà nguồn cơn oan ức là mẹ chồng quy kết phẩm hạnh của cô dựa trên những nhiệm vụ không hoàn thành.

    Những nhiệm vụ được xem như điểm nhấn bùng phát mâu thuẫn rất tủn mẳn như để “nồi hải sâm bị khê” hay món su hào xào mực không xong trong ba chục đám giỗ hàng năm.

    Tôi đọc các cuốn tiểu thuyết lâm ly này hồi còn đi học phổ thông, giờ các cốt truyện cứ lẫn vào nhau, chỉ còn nhớ các món ăn cầu kỳ đến độ đại diện cho sự khó tính của các gia đình nền nếp xưa.

    Xem ra, để có sự hài lòng của các bà mẹ chồng trong truyện Nửa chừng xuân hay Đoạn tuyệt cũng khó như có câu trả lời “Được!” của Nguyễn Tuân vậy.

    Chẳng chỉ riêng Nguyễn Tuân, cặp tác giả Khái Hưng - Nhất Linh (và có thể thêm người em Thạch Lam) đã cùng tác giả Vang bóng một thời tạo nên một vài điển phạm của cái gọi là huyền thoại “khó tính như các cụ Hà Nội”.

    Nguyễn Trương Quý / Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn

    SÁCH HAY