Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tượng đài 'kỹ tính' của người Hà Nội

Nguyễn Tuân đã được nhiều văn nghệ sĩ cùng thời dựng thành một tượng đài về thú chơi. Ông được gắn với hình tượng mặc khách khó tính về đường ăn uống.

Một người cũng có tiếng khó tính trong ăn uống là Vũ Bằng còn phải sửng sốt về sự “lẩm cẩm và dớ dẩn” của Nguyễn Tuân như nửa đêm đánh thức bạn dậy để đi ăn bánh ướt, hoặc món đặc sản chim bồ câu quay người Tàu làm ở Hà Nội xưa thì chỉ ăn có hai cái chân! (Hồi ký Bốn mươi năm nói láo).

Nguyen Tuan sanh an anh 1

Nhà văn Nguyễn Tuân. Ảnh: Huỳnh Kim Đáng.

Thú chơi của nhà nho tài tử

Song song với những ký ức của Tkachev, trong hai tập hồi ký Cát bụi chân aiChiều chiều, Tô Hoài cũng gián tiếp kể về những chuyện các cô các bà phiên dịch người Nga phải lòng cụ Nguyễn.

Giai thoại về Nguyễn Tuân còn phát triển ở miền Nam thời trước năm 1975 đến độ có cả “Nguyễn Tuân giả” đã lừa những người phụ nữ yêu văn chương để ăn nhờ sự hào phóng của họ. Huyền thoại về sự cầu kỳ ăn chơi đã đồng nghĩa với sự hấp dẫn nam tính.

Sinh ra khi thế kỷ XX mới được một thập niên và nền khoa cử Hán học trên hồi chấm dứt, Nguyễn Tuân tạo ra một trường hấp dẫn riêng mình về những hiểu biết và thú chơi phong cách các nhà nho tài tử.

Tất nhiên thú chơi hàng đầu sót lại chính là ca trù và Nguyễn Tuân chẳng bỏ qua cơ hội thể hiện sự sành sỏi trong việc cầm chầu nghe hát [...].

Truyện vừa Chùa Đàn viết năm 1945 xoay quanh mối quan hệ giữa ông chủ ấp Mê Thảo Lãnh Út, người quản gia Bá Nhỡ và cựu ca nương Tơ, thực ra là mối quan hệ lõi của một phiên hát cô đầu với quan viên cầm chầu, nhạc công chơi đàn đáy và cô đầu vừa hát vừa gieo phách.

Nguyễn Tuân rõ ràng là gửi gắm mình trong tâm trạng của cả ba nhân vật ấy, đặc biệt dường như tự “chấm điểm” cho mình qua tiếng trống chầu của Lãnh Út. Tất nhiên là một tiếng trống khó tính, thậm chí có màu bạo lực.

"Cô Tơ giờ mới để ý đến những tiếng trống điểm. Trống người chủ ấp trẻ ấy sát phạt thật. Thật là một thứ trống lợi hại. Trong tiếng trống, có tiếng đổ nhào của ngói gạch vụn rời. Hình như tất cả những lâu đài cung điện của cuộc đời nhỡn tiền đều tan rã theo một cái roi quật xuống mặt da loài thú.

Hình như phải có được vô vàn vàng lụa lũy thế mà phí đi thì mới đổi được ra thành cái tiếng âm âm đục đục ấy. Chầu, điểm đến như thế thì khỏi nào mà tránh được chuyện oan trái cùng người gõ trúc". (Chùa Đàn - “Tâm sự của nước độc”)

Nguyễn Tuân đưa ra hai cái kết. Ở bản thảo đầu, sau khi Bá Nhỡ chết khi dùng toàn bộ tinh hoa ngón đàn ma quái để hồi sinh ông chủ Lãnh Út, trên ấp Mê Thảo dựng lên ngôi chùa Đàn, nơi cô Tơ xuất gia lo việc kinh kệ.

Ở bản in lúc Cách mạng “mùa xuân năm một tuổi”, Nguyễn Tuân viết thêm phần “Dựng” và “Mưỡu cuối”, Lãnh Út là một người tù chính trị ở nhà lao thực dân, để lại một bản thảo có tên “Tâm sự của nước độc” cho bạn tù là người kể chuyện, và ở phần kết, người kể chuyện tìm đến sư thầy, nguyên là cô Tơ năm xưa, để khuyên nhủ cô trở lại nghiệp hát phục vụ đời sống mới: “Cho tới ngày nay, chưa có cuộc Cách Mệnh nào của Con Người mà bỏ được tiếng hát, Cô Tơ ạ”.

Nguyen Tuan sanh an anh 2

Tranh trên bìa sách Chùa Đàn của Nguyễn Tuân. Ảnh: Nhã Nam.

Sự kế thừa và thay đổi

Nhưng rồi Nguyễn Tuân cũng nhận ra cuộc kháng chiến sau đó cần một tiếng hát khác. Chính ông đã rất vất vả bỏ đi lối sống cầu kỳ khó tính đã thành thương hiệu của mình, thậm chí đến mức cực đoan như hòa mình vào quần chúng bằng cách đi ngủ “ba xoa hai đập”. Quả là sự thay đổi lớn!

Dĩ nhiên tiếng hát những cô Tơ nhường cho tiếng thác, tiếng suối, tiếng hò dân công trong Tình rừng, Tình chiến dịch… Hòa bình lập lại, các xóm cô đầu giải tán, ca trù không còn tồn tại ở dạng các nhà trò nữa. Đôi khi người ta nỗ lực phục hồi bằng các buổi hát kiểu báo cáo văn nghệ.

Tô Hoài kể Nguyễn Tuân cũng được mời đến dự, nhưng ông chỉ ngồi một lúc là bỏ về. Vì ông không chịu được việc ca trù không còn ở hình thức bản nguyên của nó, không còn là thuần túy tri âm giữa bộ ba “Lãnh Út”, “cô Tơ” và “Bá Nhỡ”.

Khi Nguyễn Tuân không còn ngồi ở vai người cầm chầu, việc bị động thưởng thức của ông cũng giống nỗi lòng nhân vật Bạch đã chán đời sống bó buộc ở Hà Nội mà muốn lên đường trong những tùy bút Một chuyến đi (1938) hay tiểu thuyết Thiếu quê hương (1943).

Ở những chặng phiêu lưu, mà trí tưởng tượng có lúc làm thay công việc ghi chép, hoặc tưởng tượng ra cảnh “người thì rủ vào Chùa Hương ở hẳn ở đấy lấy nửa tháng, trước ngày hội, đi xem rừng mơ non và uống nước gỗ mai già”, hoặc giữa phố xá Hương Cảng như mắc cửi nghe ra được “ai đó bấm tiếp một khúc trường tương tư. Giai nhân nào sử dụng cây tỳ bà mà buồn thấm thía đến dường ấy?”

Hậu sinh đôi khi nghi hoặc, sự khó tính mang màu sắc huyền thoại này liệu là thừa kế phong cách “trữ tình ước lệ” của nhà nho tài tử từ thời trung đại hay không? Nguyễn Tuân hay “các cụ Hà Nội” như cách nói của Tkachev là đại diện cho một quan niệm văn hóa của một tổng thể trữ tình đã định nghĩa họ.

Nguyễn Trương Quý / Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn

SÁCH HAY