Tại Yangon, cố đô đồng thời là thành phố lớn nhất đất nước, một nhóm các nhà sư đã tuần hành cùng người lao động và sinh viên. Họ mang theo cờ Phật giáo và các biểu ngữ màu đỏ, màu đại diện cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), theo Reuters.
"Hãy thả các lãnh lãnh đạo của chúng tôi, hãy tôn trọng lá phiếu của chúng tôi, phản đối quân đội làm chính biến", một biểu ngữ ghi, hoặc "Hãy cứu lấy nền dân chủ". Nhiều người biểu tình mặc đồ màu đen.
Một y tá tham gia cuộc biểu tình ở Yangon hôm 8/2. Ảnh: Reuters. |
Trước đó hôm 8/2, những người phản đối vụ chính biến đã kêu gọi thêm nhiều cuộc tuần hành và đình công, sau khi hàng chục nghìn người đã xuống đường ở Myanmar vào cuối tuần qua.
Các cuộc tuần hành trên khắp Myanmar hôm 7/2 đã tạo nên phong trào biểu tình lớn nhất kể từ cuộc Cách mạng Nghệ tây năm 2007 do các nhà sư Phật giáo lãnh đạo. (Tên gọi phong trào xuất phát từ việc các nhà sư mặc trang phục có màu như nghệ tây).
Người biểu tình phản đối việc các tướng lĩnh tiếm quyền lãnh đạo đất nước, bắt giữ nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi cũng như các chính trị gia khác của đảng NLD, trong vụ binh biến xảy ra vào rạng sáng 1/2.
Cho đến nay, các cuộc tuần hành diễn ra trong hòa bình, không giống phong trào biểu tình lan rộng vào những năm 1988 và 2007 chứng kiến nhiều người thiệt mạng. Tuy nhiên, một đoàn xe tải quân sự đã đi vào Yangon vào cuối ngày 7/2, làm dấy lên lo ngại rằng mọi chuyện có thể thay đổi.
Chính phủ đã dỡ bỏ lệnh cấm Internet kéo dài một ngày vào cuối tuần. Lệnh cấm đã dẫn đến làn sóng giận dữ tại đất nước nơi người dân sợ phải quay lại tình trạng bị cô lập và cảnh đói nghèo nghiêm trọng hơn.
Các nhà hoạt động Maung Saungkha và Thet Swe Win cho biết trên Facebook rằng cảnh sát đã đến nhà họ để tìm người, nhưng họ không ở đó và vẫn đang tự do.
Biểu tình ở Yangon hôm 7/2. Ảnh: Reuters. |
Ngoài các cuộc biểu tình trên đường phố, một chiến dịch bất tuân dân sự đã bắt đầu. Những người tham gia đầu tiên là các bác sĩ và một số giáo viên, viên chức nhà nước.
"Chúng tôi kêu gọi viên chức nhà nước ở mọi cơ quan ban ngành không làm việc từ ngày 8/2", nhà hoạt động Min Ko Naing, người từng tham gia phong trào biểu tình năm 1988 giúp bà Aung San Suu Kyi trở nên nổi tiếng, cho biết.
Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, đã ở trong tình trạng không thể liên lạc được kể từ khi Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing lên nắm quyền hôm 1/2.
Vụ đảo chính đã vấp phải sự lên án của quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi và những người khác bị bắt giữ, trong khi Mỹ đang xem xét tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Myanmar.