Phong trào biểu tình áo khoác vàng tại Pháp bước sang tuần thứ 13. Xô xát giữa người biểu tình và lực lượng chức năng tiếp tục diễn ra khiến ít nhất 31 người bị bắt giữ.
|
Hàng nghìn người biểu tình áo khoác vàng tại Pháp tiếp tục xuống đường tuần hành trong tuần thứ 13 phong trào tiếp diễn. Nhiều vụ xô xát đã xảy ra khi người biểu tình đối đầu lực lượng chức năng tại Paris. Có một trường hợp người biểu tình bị thương bàn tay do chất nổ loại nhỏ. Ảnh: Tass. |
|
Phong trào biểu tình bắt đầu vào giữa tháng 11/2018 đến nay vẫn tiếp diễn mỗi cuối tuần. Cuộc biểu tình ban đầu nhằm phản đối tăng thuế xăng dầu đã trở thành phong trào đả kích tình trạng bất bình đẳng xã hội tại Pháp, những chính sách kinh tế của Tổng thống Emmanuel Macron, phản đối tầng lớp tinh hoa xa cách với người bình dân. Ảnh: AP. |
|
Ngày 9/2, hàng nghìn người tại Paris đã tổ chức tuần hành ngang qua nhiều địa điểm biểu tượng quyền lực của đất nước như tòa nhà quốc hội và nhà thượng viện Pháp. Phần lớn người biểu tình bày tỏ thái độ một cách ôn hòa. Tuy nhiên, một bộ phận quá khích vẫn ném đồ vật về phía lực lượng an ninh, đốt xe cảnh sát, đập phá các cửa hàng. Ảnh: AP. |
|
Một người biểu tình bị trọng thương ở bàn tay sau khi anh cố gắng lượm một quả lựu đạn mảnh cao su của lực lượng cảnh sát chống bạo động. Theo Independent, nạn nhân mất cả bốn ngón tay khi thiết bị này phát nổ. Cảnh sát cho biết loại lựu đạn được sử dụng để giải tán đám đông tìm cách tràn vào tòa nhà quốc hội, chỉ bắn hơi cay và mảnh cao su khi phát nổ. Ảnh: AP. |
|
Theo Bộ Nội vụ Pháp, số lượng người biểu tình trên toàn quốc vào ngày 9/2 là gần 12.000 người. Riêng tại Paris, con số này lên đến 4.000 người. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát thủ đô cho biết số người biểu tình thực tế cao hơn nhiều so với thông báo của bộ nội vụ. Tính riêng các cuộc tuần hành ở ngoại ô Paris đã có gần 21.000 người tham gia, theo Guardian. Ảnh: AP. |
|
Một người biểu tình cố gắng xé bức áp phích các đại biểu quốc hội Pháp, được dán bên ngoài tường rào tòa nhà quốc hội tại Paris. Ảnh: AP. |
|
Xô xát diễn ra bên ngoài khu vực tòa nhà quốc hội Pháp. Cảnh sát chống bạo động đã sử dụng hơi cay và dùi cui để trấn áp, đẩy lùi người biểu tình tìm cách tràn vào khuôn viên tòa nhà. Nhiều người biểu tình phản ứng bằng cách ném đồ vật về phía lực lượng an ninh. Các nhân viên cứu hộ cũng túc trực để chăm sóc người biểu tình bị thương. Ảnh: AP. |
|
Người biểu tình tiến về phía Điện Invalides và tháp Eiffel sau những xô xát ở khu vực tòa nhà quốc hội Pháp. Ảnh: AP. |
|
Cảnh sát cho biết đã bắt giữ ít nhất 31 người biểu tình tham gia bạo loạn ngày 9/2. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Pháp khẳng định quy mô những cuộc biểu tình đang ngày càng được thu hẹp. Các nhà hoạt động áo khoác vàng đang tìm cách tạo ảnh hưởng lên phiếu bầu, nhưng phong trào này vẫn còn nhiều chia rẽ về chính trị và không có chính trị gia đứng đầu. Ảnh: AP. |
|
Những người tổ chức tuần hành ngày 9/2 lên án cảnh sát hành hung người biểu tình. Tuy nhiên, bản thân các nhà hoạt động tổ chức phong trào áo khoác vàng cũng không thể chấm dứt tình trạng người biểu tình quá khích, tấn công lực lượng cảnh sát. Nhà riêng của Richard Ferrand, lãnh đạo Hạ viện Pháp, tại khu Brittany bị phóng hỏa. Nhiều chính trị gia cáo buộc đây là hành vi của người biểu tình quá khích. Ảnh: AP. |
|
Người biểu tình áo khoác vàng còn đốt một xe chuyên dụng của lực lượng chống khủng bố. Hình ảnh này khiến Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner vô cùng phẫn nộ. "Quân đội mỗi ngày nỗ lực bảo vệ những người đồng hương của mình trước nguy cơ khủng bố. Những vụ tấn công nhắm vào lực lượng này là không thể chấp nhận được", ông nhấn mạnh. Ảnh: AP. |
biểu tình áo vàng Pháp
Pháp
Emmanuel Macron
biểu tình Paris
biểu tình áo vàng
phong trào áo vàng
biểu tình tại Pháp
bạo loạn Paris