Paris ngày 7/2 đã yêu cầu đại sứ Pháp tại Italy về nước ngay lập tức, diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất giữa hai quốc gia láng giềng kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã kéo dài nhiều tháng qua.
"Trong vài tháng gần đây, Pháp đã là mục tiêu của những cuộc tấn công vô căn cứ lặp đi lặp lại cũng như những tuyên bố mang tính xúc phạm. Bất đồng với nhau là một chuyện nhưng thao túng mối quan hệ để thu hút thêm cử tri lại là chuyện khác", Bộ Ngoại giao Pháp nói trong một tuyên bố.
"Tất cả những hành động này đang tạo ra một tình huống nghiêm trọng, làm dấy lên những câu hỏi về ý định của chính phủ Italy với Pháp".
Phong trào biểu tình "áo khoác vàng" chống Tổng thống Pháp Emmannuel Macron đã diễn ra trong nhiều tháng. Ảnh: Reuters. |
Trong những tháng qua, hai phó thủ tướng của Italy là Matteo Salvini và Luigi Di Maio đã liên tục chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vốn đang chịu áp lực vì phong trào biểu tình "áo khoác vàng" chống chính phủ. Giọt nước làm tràn ly là cuộc gặp tuần này giữa ông Di Maio, lãnh đạo phong trào dân túy "5 Sao", và Christophe Chalencon, lãnh đạo phong trào biểu tình "áo khoác vàng".
Trước đó, ông Di Maio đã công khai ủng hộ phong trào "áo khoác vàng" với các cuộc biểu tình đã gây ra hỗn loạn tại nhiều thành phố của Pháp từ tháng 11/2018.
“Hỡi áo khoác vàng, đừng bỏ cuộc... Ở Pháp, cũng như ở Italy, chính trị cũng mù quáng trước mong muốn của người dân”, ông viết trên trang blog của đảng mình hồi tháng 1.
Chính phủ Pháp luôn coi việc ủng hộ phong trào "áo khoác vàng" là tấn công họ. Bộ Ngoại giao Pháp lên án đó là “sự khiêu khích không thể chấp nhận” và “vi phạm nguyên tắc tôn trọng các lựa chọn dân chủ ở một quốc gia đồng minh, hữu nghị”.
Bình luận về vụ triệu hồi đại sứ, ông Marc Lazar, chuyên gia về quan hệ Pháp - Italy đang giảng dạy ở các trường đại học tại Paris và Rome, nói đây là điều chưa từng xảy ra từ năm 1940, "khi Mussolini tuyên chiến".
“Đây là một diễn biến rất, rất nghiêm trọng. Không có gì so sánh được”, ông nói trên New York Times.
Hai phó thủ tướng của Italy là Luigi Di Maio (trái) Matteo Salvini đã liên tục chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong những tháng qua. Ảnh: Getty. |
Kể từ khi những lãnh đạo dân túy lên nắm quyền ở Italy, sự chia rẽ về chính trị ở châu Âu có lúc trở thành sự cãi cọ xuyên quốc gia, với những lời xúc phạm ngày càng nhiều, theo New York Times.
Di dân từ lâu đã là mâu thuẫn giữa hai nước. Mùa hè 2018, các lãnh đạo Italy, nước đã chịu phần lớn những tốn kém do làn sóng nhập cư kể từ năm 2015, đã nổi giận khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án chính phủ mới của Italy không cho phép hàng trăm di dân lên một chiếc tàu cứu hộ nhân đạo.
Văn phòng thủ tướng Italy phản pháo và nói nước này “chấp nhận bài dạy đời hai mặt từ một quốc gia mà trong vấn đề di dân đã luôn chọn cách quay lưng với các đối tác”, ý nói việc Pháp chặn di dân vượt biên giới giáp với Italy.
Căng thẳng lên cao tới mức ảnh hưởng tới lĩnh vực văn hóa vốn là phi chính trị, khi bà Lucia Borgonzoni, thành viên của đảng 5 Sao, lên tiếng phản đối việc bảo tàng Louvre ở Paris mượn kiệt tác của danh họa Leonardo da Vinci từ các bảo tàng Italy.