Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phe cực hữu Pháp thấy cơ hội lớn từ biểu tình 'áo khoác vàng'

Trong bối cảnh biểu tình bạo lực, các đảng phái chính trị tại Pháp tranh thủ thời cơ để mở rộng ảnh hưởng và thu hút ủng hộ từ những người bất mãn với chính quyền.

New York Times cho biết khi lực lượng an ninh dưới quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải sử dụng tới hơi cay, vòi rồng và chiến thuật bắt giữ trên diện rộng để dẹp yên những cuộc biểu tình bạo lực khắp cả nước, những người biểu tình áo khoác vàng tại phía bắc thủ đô Paris tìm thấy sự bảo vệ khác thường đến từ một vị thị trưởng cực hữu, người suốt sự nghiệp chính trị luôn phản đối những cuộc biểu tình bất tuân chính phủ.

Cánh hữu nuôi dưỡng phong trào áo vàng

Thị trưởng Steeve Briois của thị trấn Henin-Beaumont là một trong số các lãnh tụ của Mặt trận Quốc gia, lực lượng chính trị chống người nhập cư tại Pháp. Giữa tâm điểm bạo lực lan rộng, Thị trưởng Henin-Beaumont cho phép người biểu tình tập trung đốt củi sưởi ấm bên trong một bãi đỗ xe.

Các nhân viên dưới quyền ông Briois cũng cung cấp cho phe biểu tình một chiếc lều, đồng thời cho phép họ tuần hành dọc tuyến đường chính, bất chấp chỉ thị trước đó từ chính quyền khu vực cấp trên cấm mọi hoạt động tụ tập.

bieu tinh ao vang anh 1
Henin-Beaumont cung cấp hỗ trợ cho người biểu tình áo vàng. Ảnh: New York Times.

Những người chỉ trích cho rằng mục tiêu của ông Briois là quá hiển nhiên: biến hàng nghìn người biểu tình thành lực lượng ủng hộ chính trị, đe dọa nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron, và thu hút sự chú ý của dư luận vào tình trạng khốn đốn mà tầng lớp trung lưu và lao động nghèo hiện phải chống chọi.

Đối với phe cánh hữu, những người biểu tình trở thành đối tượng chiêu mộ tiềm năng, và lãnh đạo các đảng cánh hữu đã sớm có mặt để thu được tối đã những gì mà biểu tình bạo loạn mang lại cho họ.

Trong số các chính trị gia sớm có mặt tại trung tâm các cuộc biểu tình là Marine Le Pen, ứng viên tổng thống của Mặt trận Quốc gia từng thất bại thảm hại dưới tay Emmanuel Macron trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái.

Không chỉ cổ vũ những người biểu tình, bà Le Pen trực tiếp chỉ đạo những người ủng hộ và thành viên đảng được bổ nhiệm vào chính quyền tham gia cuộc biểu tình mà bà gọi là "cuộc cách mạng" chống lại chính sách của Tổng thống Macron từng bị chỉ trích là chỉ làm lợi cho người giàu.

Hôm 14/12, bà Le Pen đặt chân tới Hénin-Beaumont, nơi ông Briois đã nắm quyền thị trưởng trong 4 năm, nhằm thể hiện tình đoàn kết với người biểu tình, đồng thời cùng ông thị trưởng tham gia khai trương chợ Giáng sinh của thị trấn.

Trong bài phỏng vấn hồi tháng 11 với báo Le Parisien, bà Le Pen chế giễu các quyết định của chính quyền Tổng thống Macron khi xây dựng và sau đó tăng thuế nhiên liệu nhằm phục vụ các cam kết về môi trường. Những chính sách này đã trực tiếp chọc giận người dân và châm ngòi cho cuộc biểu tình kéo dài hơn 1 tháng qua.

Lãnh đạo Mặt trận Quốc gia tố cáo việc tăng thuế nhiên liệu là hành động "đáng bị trừng phạt", được thúc đẩy bởi "giới quý tộc phóng túng ở Paris", những người làm việc trong "văn phòng đẹp đẽ, trang trí bởi những đồ vật sang trọng" và "không có chút liên hệ nào với tình cảnh của những người ái quốc".

Thế nhưng, việc công khai ủng hộ phong trào áo vàng có thể là con dao hai lưỡi của các chính trị gia Mặt trận Quốc gia. Việc giúp phong trào biểu tình bạo lực này hòa quện cùng một phong trào chính trị chính thống ở Pháp có thể là liều thuốc độc cho chính phe cánh hữu vốn không nhận được nhiều sự ủng hộ.

bieu tinh ao vang anh 2
Người biểu tình ném đá về phía cảnh sát chống bạo động tại Paris. Ảnh: AFP.

Mong muốn thay đổi

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Mặt trận Quốc gia, tổ chức đầu năm nay vừa đổi tên thành Tập hợp Quốc gia, có thể mất lượng lớn phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tại Nghị viện châu Âu vào tháng 5 nếu phong trào áo vàng tham gia và đưa ra ứng viên của mình.

Cơn giận dữ càn quét qua đường phố nước Pháp, nay đã vượt rất xa khỏi xuất phát điểm là sự bất mãn về chi phí đi lại đắt đỏ, đã tạo ra một phong trào chỉ trực chờ bùng nổ chống lại mọi đảng phái chính trị, trong đó có cả Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen.

"Chúng ta cần bắt đầu lại từ con số không", Stephane Bouillez, một lái xe đường dài tham gia phong trào biểu tình ở Hénin-Beaumont hôm 15/12, nói. Bouillez cho biết cuộc sống hiện tại của mình cực kỳ khốn đốn, người đàn ông hầu như không kiếm đủ tiền để nuôi gia đình.

Để trang trải cuộc sống, Bouillez từng mở một công ty nhỏ bán quân trang, nhưng rồi sớm nhận ra thuế và các chi phí khác đã chiếm hết doanh thu, khiến người đàn ông phá sản và lâm vào cảnh nợ nần.

Năm ngoái, Bouillez bỏ phiếu cho bà Le Pen với niềm tin rằng phe cực hữu sẽ làm tốt công việc quản trị đất nước, như cái cách Bouillez cho rằng thị trưởng Briois đã làm tốt công việc tại Hénin-Beaumont từ sau khi cùng các cộng sự nắm quyền kiểm soát hội đồng thị trấn trong cuộc bỏ phiếu năm 2014.

Tuy nhiên, sau nhiều tuần bạo lực và những cuộc tranh luận tự do tại các trại biểu tình, Bouillez cho rằng đã đến lúc nước Pháp phải nói lời chia tay với những bè phái chính trị luôn ở thế đối đầu. Ông viết nguệch ngoạc niềm tin của mình lên chiếc áo khoác huỳnh quang màu vàng mà nhiều tuần qua được coi là biểu tượng của cuộc cách mạng: "Thức dậy đi nước Pháp! Đừng mãi làm những chú cừu!".

bieu tinh ao vang anh 3
Cuộc biểu tình hôm 15/12 đã giảm về quy mô và mức độ bạo lực. Ảnh: New York Times.

Liệu phong trào áo vàng có duy trì được động lực và định hình lại nước Pháp hay không hãy còn là điều khó nói.

Những lời kêu gọi kiềm chế sau vụ khủng bố tại thành phố Strasbourg hôm 11/12, thời tiết lạnh giá, không khí Giáng sinh tới gần, cùng sự nhượng bộ của Tổng thống Macron đã bào mòn tinh thần phản kháng của một bộ phận người biểu tình. Cuộc biểu tình hôm 15/12 tại Paris đã nhỏ hơn về quy mô và ít bạo lực hơn về tính chất so với các tuần trước đó.

Thế nhưng, cơn cuồng nộ trên đường phố đã đặt ra một cuộc tranh cãi rộng rãi chưa từng có kể từ năm 1968 về tương lai của nước Pháp, đồng thời làm dấy lên câu hỏi: Ai mới thực sự cất lên tiếng nói cho nhân dân?

Trong số hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình trong phong trào áo vàng, nhiều người cảm thấy bị bỏ rơi, bị phớt lờ trong hệ thống chính trị xoay quanh một tổng thống đầy quyền lực và một quốc hội ít tiếng nói của nước Pháp. Những người này đòi hỏi nền dân chủ trực tiếp, với quyền bỏ phiếu trưng cầu dân ý về những vấn đề từ nhỏ đến lớn.

Các đảng chính trị xâm nhập biểu tình

Phe cực hữu không phải lực lượng chính trị duy nhất nhìn thấy cơ hội từ bối cảnh ảm đạm hiện tại. Phe cánh tả cấp tiến, đại diện là đảng France Insoumise, hay đảng France Unbowed được dẫn dắt bởi chính trị gia chống chủ nghĩa tư bản gây tranh cãi Jean Luc Melenchon, đều cho thấy nỗ lực hòa cùng phong trào áo vàng.

Cả phe cực tả và cực hữu từ lâu đều tuyên bố có thể xây dựng hệ thống quản trị xã hội phù hợp hơn, giải phóng người dân khỏi sự lệ thuộc vào tầng lớp quý tộc giàu có ở Paris.

"Tình hình hiện tại không chỉ là tức giận, nó là cơn thịnh nộ của người dân", Thị trưởng Briois nói. Thị trưởng Henin Beaumont cho biết phong trào biểu tình áo vàng cho thấy nước Pháp cần dứt khoát chia tay với quá khứ, như cái cách người Mỹ đã làm năm 2016 khi lựa chọn Donald Trump làm tổng thống.

"Chúng ta cần người như ông ấy (Donald Trump), những người có can đảm, dám nói thật, không mắc kẹt với các quyết sách bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị", ông Briois nói.

Jean Yves Camus, giám đốc Cơ quan quan sát chính trị cấp tiến từ Quỹ Jean Jaures, nhận định đảng Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen hiện có nhiều lợi thế nhất, so với các đối thủ, trong cuộc đua giành sự ủng hộ từ đám đông áo vàng giận dữ.

bieu tinh ao vang anh 4
Bà Marine Le Pen có mặt tại Henin-Beaumont hôm 14/12. Ảnh: New York Times.

Ông Camus cho rằng phong trào áo vàng quá chia rẽ, vì vậy ít có khả năng đe dọa tới ưu thế của Mặt trận Quốc gia, nếu như hai bên thực sự liên kết. Tuy nhiên, ông Camus thừa nhận phong trào áo vàng là "một điều thực sự mới mẻ", và là mối nguy tiềm tàng cho mọi đảng phái chính trị bởi thành viên được tổ chức trên mạng xã hội, thay vì thông qua kênh đảng hay công đoàn như thường lệ.

Nhà hoạt động Jean Pierre Carpentier của đảng cánh tả France Insoumise cất lên tiếng nói với vẻ thất vọng rằng người biểu tình không nhận ra "những gì họ muốn là những điều chúng tôi đã thúc đẩy trong nhiều năm". Hôm 14/12, Carpentier phân phát tờ rơi chế giễu Tổng thống Macron và kêu gọi người dân gia nhập đảng của mình. Mặc dù vậy, bản thân Carpentier cũng không gia nhập cùng đoàn biểu tình vào ngày thứ bảy.

Trong khi đó, đảng Cộng sản Pháp, một thời có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tại miền Bắc, dường như bất ngờ khi cuộc biểu tình càn quét qua nhiều thành phố khắp cả nước, dù đảng này từng có thời làm khuynh đảo nước Pháp với những phong trào tương tự.

David Noel, đại diện duy nhất của đảng Cộng sản tại hội đồng thị trấn Henin-Beaumont, cho biết quá bận rộng với công việc giảng dạy hiện có tại trường đại học nên không tham gia cùng người biểu tình. Ông này chỉ có một thông điệp đơn giản gửi tới người biểu tình: "Các bạn nên gia nhập đảng Cộng sản".

Ở chiều ngược lại, phe cực hữu có chiến thuật rất khác khi cử thành viên xâm nhập đoàn biểu tình. Những thành viên này trưng ra khẩu hiệu lên án chính sách nhập cư là nguyên nhân của mọi vấn đề và rằng Tổng thống Macron đã bán đứng lợi ích quốc gia khi chấp thuận bộ văn kiện về người di cư của Liên Hợp Quốc vừa đạt được tại Marrakesh, Morocco.

"Macron đã phản bội nước Pháp tại Marrakesh", một người biểu tình tên Marie Therese Morieux phát biểu quan điểm trên đường phố ở Henin-Beaumont. Người phụ nữ này là một ủng hộ viên nhiệt thành của bà Le Pen và Mặt trận Quốc gia.

Khi một chiếc ôtô đi ngang qua mà không bấm còi để thể hiện sự ủng hộ với phong trào áo vàng, Morieux dừng chiếc xe lại và truy vấn tài xế về nguyên nhân. Khi tài cho biết ông là người ủng hộ chính sách của Tổng thống Macron, Morieux lập tức đưa ra kết luận "ông ta hẳn phải bị bệnh".

Nước Pháp chia rẽ

Không phải thành viên áo vàng nào cũng có chung quan điểm cực đoan như Morieux. Cũng biểu tình trên đường phố Hénin-Beaumont, thế nhưng David Moritz không đồng tình với cách tiếp cận thù địch chống người nhập cư của Morieux và đảng Mặt trận Quốc gia.

"Vấn đề lớn nhất của Pháp không phải là nhập cư mà là mạng lưới liên kết xã hội khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi kiếm việc làm", Moritz cho biết.

Người này nói mất nhiều năm trời để kiếm một công việc ổn định bởi không có những mối quan hệ tại các công ty. Cuối cùng, Moritz tìm được công việc từ một doanh nghiệp Mỹ nơi "không quan tâm người ta xuất phát từ trường học nào". Moritz là người ủng hộ đảng cánh tả France Insoumise.

bieu tinh ao vang anh 5
Người biểu tình tại thủ đô Paris hôm 8/12. Ảnh: Business Insider

Khi cảnh sát lần đầu tới trấn áp cuộc biểu tình, Thị trưởng Briois ra lệnh lập nên một biển thông báo tại giao lộ chính của thị trấn với thông điệp: "Thị trấn Henin-Beaumont ủng hộ những người áo vàng". Ít ngày sau, cảnh sát chống bạo động chiếm luôn giao lộ này bằng cuộc giáp lá cà khốc liệt với người biểu tình.

Một thành viên của hội đồng thị trấn tên Marine Tondelier từ đảng Xanh phản đối cách làm của ông thị trưởng. "Thị trưởng của chúng ta muốn là ngài bảo an, một cảnh sát trưởng mới. Cuối cùng ông ta chỉ là kẻ đạo đức giả".

Bà Tondelier cũng mỉa mai đảng Mặt trận Quốc gia, cho rằng đảng này đã đi ngược lại những lời tuyên bố hùng hồn về luật pháp và trật tự. "Mặt trận Quốc gia luôn luôn tìm cách thao túng sự giận dữ của người dân. Họ đang tìm cách thu nạp người phe áo vàng, đây là sở trường của họ".

Đáp lại lời chỉ trích, ông Briois cho biết chỉ mong muốn người dân có thể cất lên tiếng nói, và "đảm bảo người Pháp đưa ra quyết định đúng đắn" trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Hiển nhiên, lựa chọn đúng đắn mà ông thị trưởng không hề giấu diếm là giành lá phiếu cho đảng Mặt trận Quốc gia của chính mình.

Đường phố Paris mù mịt khói trong ngày 'đại biểu tình' Đã có những va chạm giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tại Paris vào ngày 8/12, và cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay ở một tuyến phố gần đại lộ Champ-Elysees.

Biểu tình tiếp diễn tuần thứ 5 tại Pháp, quy mô giảm một nửa

Phong trào biểu tình "áo khoác vàng" đã tiếp tục diễn ra vào cuối tuần này tại nhiều thành phố của Pháp, tuy nhiên quy mô đã giảm đáng kể so với các tuần trước đó.

Mùa Giáng sinh về, đại lộ mua sắm giữa Paris vẫn ngổn ngang vì bạo lực

Những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần khiến đại lộ mua sắm Champs Elysees bị phá hoại trầm trọng, kéo theo nỗi lo doanh thu sụt giảm tại thời điểm Giáng sinh đã đến gần.








Duy Anh

Bạn có thể quan tâm