Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mùa Giáng sinh về, đại lộ mua sắm giữa Paris vẫn ngổn ngang vì bạo lực

Những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần khiến đại lộ mua sắm Champs Elysees bị phá hoại trầm trọng, kéo theo nỗi lo doanh thu sụt giảm tại thời điểm Giáng sinh đã đến gần.

Wall Street Journal cho biết những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần vừa qua khiến những cửa hiệu hạng sang trên đại lộ sầm uất Champs Elysees bị phá hoại trầm trọng, đồng thời khiến nền kinh tế Pháp chao đảo với thiệt hại hàng tỷ USD.

Con phố mua sắm Champs Elysees với sự xa hoa, lộng lẫy sánh ngang Đại lộ 5 tại thành phố New York, Mỹ đang chạy đua với thời gian để tu sửa những hư hại sau 4 tuần liên tiếp nằm giữa trung tâm của những vụ bạo lực. Thiệt hại mà những cửa hiệu sang trọng phải gánh chịu không hề nhỏ, hậu quả từ những vụ phóng hỏa, ném đá cũng như hôi của cướp bóc.

Đại lộ xa hoa giữa cuộc biểu tình của người lao động

Hôm 10/12, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire nhấn mạnh phong trào biểu tình đã tác động tiêu cực lên nền kinh tế Pháp, khiến tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 của Pháp mất đi 0,1 điểm %. Ngân hàng trung ương Pháp cũng ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 4 đã mất đi 0,2 điểm % tăng trưởng do các cuộc tấn công nhắm vào các cửa hiệu bán lẻ.

bao loan Paris anh 1
Người biểu tình đập phá cửa sổ một cửa hàng tại Paris. Ảnh: Reuters.

Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Phân phối Pháp, việc các cửa hiệu đóng cửa cùng sự gián đoạn dịch vụ trên toàn quốc trong thời gian biểu tình vừa qua đã gây thiệt hại khoảng 1,13 tỷ USD.

Chưa hồi phục sau nhiều tuần lễ biểu tình liên miên, Pháp tiếp tục chấn động với vụ tấn công khủng bố vào thành phố Strasbourg hôm 11/12. Vụ xả súng làm 3 người chết và nhiều người khác bị thương càng khiến không khí đón Giáng sinh của người dân đất nước hình lục lăng trầm lắng.

Vụ khủng bố diễn ra tại một chợ Giáng sinh nổi tiếng ở thành phố Strasbourg, nơi thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch mỗi năm. Tới ngày 12/12, khu chợ vẫn bị đóng cửa. Hiện vẫn chưa rõ vụ tấn công có khiến giảm sức hút của Strasbourg đối với người dân địa phương và khách du lịch hay không, tuy nhiên nhà chức trách Pháp đã siết chặt an ninh trên toàn quốc cũng như tại các cửa khẩu.

Trên đại lộ Champs Elysees, đèn trang trí xanh đỏ đậm hương vị Giáng sinh đã được thắp sáng lung linh. Các công nhân đang khẩn trương sửa chữa những cửa sổ vỡ nát, những chiếc ghế bị đốt cháy đã được thay mới. Theo ghi nhận, khách du lịch vẫn đổ về Champs Elysees, vừa mua sắm, vừa ghi lại những thiệt hại hiếm khi xuất hiện trên đại lộ này.

Bất chấp những nỗ lực khôi phục công việc làm ăn, giới kinh doanh không mấy lạc quan về triển vọng doanh thu của mùa Giáng sinh năm nay. Nhiều người bi quan doanh số bán hàng sẽ thua xa những năm trước, hệ quả để lại do dư âm những vụ bạo lực trong vài tuần qua.

"Yêu cầu hoàn thuế giá trị gia tăng tại cửa hàng chúng tôi giảm 20% trong tháng vừa qua, chỉ dấu rõ ràng cho thấy khách du lịch đến mua sắm đã giảm xuống", Wall Street Journal dẫn lời Toolsy Mooroogan, quản lý tại một cửa hiệu của Lacoste, cho biết.

Theo người quản lý, cửa hàng thời trang này thiệt hại khoảng 35.000 USD cho mỗi ngày phải ngừng hoạt động do biểu tình, chưa kể phải chi trả 2.700 USD cho hai cửa kính bị hư hại vì ném đá và đến nay vẫn chưa được thay mới. May mắn cho cửa hiệu Lacoste này là cửa chống trộm hai lớp phía sau cửa kính đã ngăn những kẻ hôi của lợi dụng tình trạng hỗn loạn xông vào cướp bóc như xảy ra tại nhiều nơi khác trên đại lộ Champs Elysees.

Cuộc biểu tình "áo khoác vàng" của người Pháp bị châm ngòi bằng việc chính phủ Pháp tăng thuế nhiên liệu với mục tiêu thực hiện cam kết của Pháp đối với việc chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đối tượng chịu thiệt hại bởi thuế này lại là những người dân lao động phải lái xe từ ngoại ô hoặc vùng nông thôn để đi làm, những người vốn đã làm nạn nhân trong nền kinh tế Pháp nhiều năm qua.

Tuy chính phủ đã rút lại mức thuế, những tức giận của người dân vẫn chưa lắng xuống, khi người biểu tình giờ đây gọi Tổng thống Emmanuel Macron là "tổng thống của người giàu" và yêu cầu chính phủ phải giải quyết các vấn đề khác như bất bình đẳng xã hội, mức lương thấp, thiếu nhà ở...

bao loan Paris anh 2
Cửa kính tiệm Starbucks bị phá hỏng sau các cuộc biểu tình. Ảnh: Getty.

Giáng sinh buồn

Đại lộ Champs Elysees mỗi năm tạo ra từ 1,8 tỷ - 2 tỷ USD lợi nhuận từ hoạt động mua sắm cho nền kinh tế Pháp. Khoảng 25% doanh thu đến từ đợt mua sắm trong tháng 12, và thứ bảy là ngày sinh lời nhiều nhất mỗi tuần. 

"Champs Elysees hoạt động vào cuối tuần và mở đến khuya. Họ sẽ làm tất cả để có thể mở cửa hoạt động. Những ngày thứ 7 vào thời kỳ này (trước Giáng sinh) có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn về mặt doanh số, và rồi chúng tôi không thu được gì hết trong hai thứ bảy vừa qua", Edouard Lefebvre, giám đốc điều hành Ủy ban Champs Elysees đại diện cho các nhà hàng, khách sạn và cửa hàng bán lẻ, cho biết.

Truyền thông Pháp cho biết trong những cuộc biểu tình vừa qua, những kẻ hôi của đã tấn công vào cửa hàng nước hoa của hãng mỹ phẩm cao cấp Dior trên đại lộ Champs Elysees. Dù chỉ là cửa hàng nhỏ, cơ sở này cũng chịu thiệt hại tới hơn 1,3 triệu USD chỉ trong một ngày cuối tháng 11.

Tại một địa điểm gần đó trên đại lộ Champs Elysees, cửa hàng của Apple cũng như hãng thời trang Foot Locker bị đập phá, các cửa sổ vỡ vụn. Một nhân viên của Apple cho biết cửa hàng tại thủ đô Paris may mắn không bị cướp phá do những người hôi của không vượt qua được lớp cửa an ninh.

Tuy nhiên, may mắn không đến với cửa hiệu của Apple tại thành phố Bordeaux, miền Nam nước Pháp. Hàng chục người đã tràn vào cửa hiệu này và khoắng sạch các sản phẩm công nghệ có giá trị. Nhà chức trách mới chỉ bắt giữ được một số kẻ tình nghi. Đại diện của Apple hiện vẫn từ chối bình luận về vụ cướp phá tại Bordeaux.

bao loan Paris anh 3
Các cửa hàng đang gấp rút sửa sang chuẩn bị đón Giáng sinh. Ảnh: Reuters.

Trong khi những thiệt hại về vật chất có thể sớm được khắc phục, niềm tin của du khách vào những địa điểm mua sắm, một thời từng là thiên đường du lịch nhưng nay tiềm ẩn đe dọa về an ninh, là điều khó có thể giành lại trong một sớm một chiều.

"Paris sẽ luôn luôn là Paris. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là người ta sẽ chẳng vội vàng mà tới Paris ngay lúc này. Nếu có biểu tình, họ sẽ chọn đi khám phá những địa điểm khác và tới thăm kinh đô ánh sáng vào thời gian khác", ông Lefebvre bi quan.

Julie Maguire, một giáo viên về hưu từ bang Delaware, Mỹ, chụp ảnh cùng chồng trước cổng Khải Hoàn Môn, biểu tượng của thủ đô Paris trên đại lộ Champs Elysees. Nhìn vào dấu vết đốt phá do người biểu tình gây ra chỉ vài ngày trước đó, bà Maguire cho biết nếu không vì đã đặt vé về nước khởi hành từ Paris, bà đã đi thăm những nơi khác ở châu Âu.

"Nơi này khi đó như vùng chiến địa", Maguire miêu tả lại khung cảnh thành phố Paris với cảnh sát chống bạo động và xe bọc thép đóng chốt khắp nơi khi bà đặt chân tới hôm 8/12.

Hôm 9/12, tình hình đã hạ nhiệt, cặp vợ chồng người Mỹ có cơ hội đi ngắm một số cảnh đẹp của thành phố. Thế nhưng, người phụ nữ đã bị đánh cắp mất một chiếc Ipad, trong khi chồng bà bị móc túi mất ví tiền trên một chuyến tàu điện ngầm được miêu tả là "quá mức chật chội".

"Chúng tôi không báo cảnh sát. Chúng tôi nghĩ khi đó họ đã có quá nhiều việc phải lo", bà Maguire nói. 

Đường phố Paris chìm trong khói lửa vì bạo loạn Phong trào "áo khoác vàng" phản đối tăng thuế nhiên liệu leo thang thành một cuộc bạo động, hàng loạt công trình bị phá huỷ và xe cộ bị đốt cháy khiến Paris trở nên hoang tàn.

Phát biểu tại phòng dát vàng, TT Macron khó xoa dịu biểu tình Pháp

Ông Macron lên tiếng xoa dịu người biểu tình, nhưng căn phòng sang trọng với nội thất dát vàng trong Điện Elysee không giúp ông rũ bỏ biệt danh "tổng thống của nhà giàu".

5 sắc thái của 'áo khoác vàng' và những bế tắc trong lòng xã hội Pháp

Những người biểu tình đều mặc một trang phục và cùng bày tỏ sự phản đối với Tổng thống Macron, nhưng những yêu cầu của họ thì lại hết sức đa dạng và phức tạp.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm