Bài phát biểu ngày 11/12 là lần xuất hiện trước ống kính truyền hình quan trọng nhất của Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi ông nhậm chức.
Nhà lãnh đạo 40 tuổi phải thuyết phục một quốc gia đang sục sôi phẫn nộ rằng ông không phải "tổng thống của nhà giàu" kiêu ngạo như họ nghĩ, mà cũng cảm thông với cuộc sống chật vật của giới bình dân.
Tuy nhiên, bài phát biểu về bất bình đẳng xã hội lại được ghi hình tại một trong những căn phòng được dát vàng nhiều nhất ở Điện Elysee. Giới quan sát lo ngại những hình ảnh này không giúp truyền tải đúng thông điệp mà ông Macron mong muốn.
Lựa chọn Điện Elysee hào nhoáng khiến hình ảnh tổng thống Pháp thêm xa cách với những người biểu tình "áo khoác vàng" - phong trào đang làm rung chuyển nước Pháp suốt bốn tuần qua.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đọc bài phát biểu xoa dịu bức xúc của người biểu tình tại căn phòng dát vàng trong Điện Elysee. Ảnh: AP. |
Dinh thự và nơi làm việc của tổng thống Pháp có 365 phòng, lớn gấp đôi Nhà Trắng và tốn 104 triệu euro (gần 118 triệu USD) để vận hành mỗi năm. Đây cũng là một trong những tâm điểm bức xúc của người biểu tình "áo khoác vàng".
Những đợt tuần hành phản đối tăng thuế nhiên liệu ngày 17/11 đã nhanh chóng lan rộng và leo thang thành biểu tình chống chính phủ và bất bình đẳng xã hội. Điện Elysee là một trong những ví dụ mà người biểu tình bức xúc về lối sống xa xỉ của giới tinh hoa.
Trên những lô cốt dã chiến giữa đường phố Paris, nhiều người biểu tình chỉ trích kế hoạch tân trang phòng ốc tại Điện Elysee của gia đình Macron. Riêng thay thảm đỏ trong phòng khánh tiết đã tốn khoảng 300.000 euro (gần 340.000 USD).
Tổng thống Pháp chọn ghi hình bài phát biểu tại phòng làm việc truyền thống, được biết đến với tên gọi salon doré - "phòng vàng". Guardian nhận định rằng khi nhìn căn phòng dát vàng, người biểu tình "áo khoác vàng" khó mà "nghe lọt tai" những biện pháp nhắm đến xoa dịu bức xúc trong lòng dân.
Nhà lãnh đạo 40 tuổi ngồi tại bàn cổ, được dùng qua nhiều đời tổng thống Pháp từ thời Charles de Gaulle và là nội thất giá trị nhất tại dinh thự. Ở rìa trái khung hình là tượng gà trống, biểu tượng của nước Pháp, và hai bộ chân đèn đều bằng vàng. Sau lưng ông Macron, cạnh bên bộ cửa dát vàng là quốc kỳ Pháp và lá cờ Liên minh châu Âu (EU).
Bài phát biểu dài 13 phút tổng thống Pháp đặt mục tiêu thuyết phục dư luận rằng ông thấu hiểu "thực tế cuộc sống" của những người biểu tình. Nhóm "áo khoác vàng" nhiều lần bày tỏ sự phẫn nộ về mức độ xa cách giữa giới tinh hoa và đảng Cộng hòa Tiến bước của ông Macron với người bình dân.
Họ bức xúc khi đại biểu quốc hội trong đảng này không nhớ nổi mức lương tối thiểu khi trả lời trên truyền hình. Họ bất bình khi một thành viên nội các phàn nàn vì ăn tối tại Paris tốn đến "200 euro (hơn 220 USD) mà không có rượu vang", trong khi người bình dân phải chật vật chạy cơm từng bữa.
Tổng thống Macron muốn gửi thông điệp thấu hiểu cuộc sống của giới bình dân, hứa điều chỉnh các chính sách. Ảnh: AP. |
Gần 23 triệu người đã xem bài phát biểu của tổng thống Pháp khi nó được phát vào ngày 11/12, gần bằng số người theo dõi chiến thắng của đội tuyển Pháp tại trận chung kết World Cup 2018.
Họ bàn tán xem tổng thống Pháp liệu có nổi dị ứng trên cổ hay vì ông quá căng thẳng. Họ bình phẩm cách ngồi đôi tay đặt trên bàn khiến ông Macron nhìn như người thầy giáo trả bài tập cho học sinh. Nhất cử nhất động của ông Macron đều được người xem săm soi.
Thường thì nhà lãnh đạo trẻ tuổi sẽ phát biểu tại phòng làm việc thường ngày của ông, ngay cạnh "phòng vàng". Căn phòng đó cũng xa hoa không kém với nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại.
Tuy nhiên, Tổng thống Macron nói ông thích sử dụng phòng tổng thống mỗi khi cần tập trung cho những vấn đề phức tạp hơn, cần đầu tư về thời gian và trật tự. Căn phòng cũng là nơi ông tiếp các lãnh đạo quốc tế như Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Ông ấy không sống trong thế giới thực" là lời mô tả thường được người biểu tình dùng cho nhà lãnh đạo trẻ tuổi. Họ thậm chí ví von ông Macron với một vị vua.
Chính nỗi bức xúc này khiến giới quan sát lo ngại thông điệp của tổng thống Pháp, phát đi từ căn phòng dát vàng được xây dựng từ thế kỷ thứ 18, khó thay đổi được những suy nghĩ của giới bình dân.