Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ cuộc đảo chính năm 2014, theo Reuters.
Người biểu tình kêu gọi kiềm chế quyền lực của hoàng gia - một chủ đề từng bị cấm - cũng như đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha phải ra đi, đưa ra hiến pháp mới và chấm dứt việc đàn áp các nhà hoạt động đối lập của sinh viên.
Sinh viên Thái Lan đã khởi xướng các cuộc biểu tình gần như hàng ngày trong tháng qua. Tuy nhiên, cuộc biểu tình hôm 16/8 đã thu hút một đám đông lớn ở Thái Lan - quốc gia đã trải qua nhiều thập kỷ biểu tình và thường kết thúc bằng đảo chính quân sự.
Hơn 10.000 người biểu tình đã tập trung vào hôm 16/8 tại Bangkok để yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử mới. Ảnh: Reuters. |
“Chúng tôi muốn có một cuộc bầu cử mới và một quốc hội mới từ trong nhân dân”, nhà hoạt động sinh viên Patsalawalee Tanakitwiboonpon, 24 tuổi, nói với đám đông.
Những người tổ chức phong trào Free People và cảnh sát cho biết có hơn 10.000 người tham gia cuộc biểu tình.
Traisulee Traisoranakul, một phát ngôn viên của chính phủ, nói với các phóng viên: “Thủ tướng muốn thể hiện mối quan tâm của mình tới các quan chức và những người biểu tình để tránh bạo lực”.
Bà Traisoranakul cũng cho biết ông Prayuth đã ra lệnh cho nội các tạo dựng sự hiểu biết giữa các thế hệ.
Ông Prayuth đã thắng trong cuộc bầu cử mà phe đối lập cho rằng đã bị thao túng để đảm bảo ông Prayuth giữ quyền lực. Đảng đối lập mạnh mẽ nhất sau đó đã bị giải tán.
Sự tức giận càng tăng cao vì các cáo buộc tham nhũng, việc bắt giữ một số thủ lĩnh sinh viên trong các cuộc biểu tình trước đó và suy thoái kinh tế do Covid-19.
“Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi trong chiến lược của phong trào do thanh niên lãnh đạo. Phong trào đã bao gồm nhiều thành phần hơn”, Titipol Phakdeewanich, trưởng khoa Khoa học chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani, nói với Reuters.
Một số nhóm sinh viên cũng đã trình bày 10 cải cách với chế độ quân chủ của Vua Maha Vajiralongkorn, trong đó bao gồm hạn chế quyền lực của vua đối với hiến pháp, tài sản hoàng gia và các lực lượng vũ trang.