Khoảng 3.000-4.000 người biểu tình có mặt tại Đại học Thammasat ở ngoại ô Bangkok vào tối 10/8. Người biểu tình cũng kêu gọi ông Prayuth từ chức cũng như chấm dứt sự thống trị của quân đội trong nền chính trị, Reuters cho hay.
Trong khi đó, những người biểu tình từ Nhóm Ủng hộ Dân chủ Đại học Thammasat đưa ra lời kêu gọi 10 điểm về việc cải cách nền quân chủ. Họ ít nhất là nhóm biểu tình sinh viên thứ ba phá vỡ cấm kỵ kéo dài hàng thập kỷ qua khi chất vấn vai trò và quyền hạn của hoàng gia.
Thái Lan có luật nghiêm cấm xúc phạm hoặc nói xấu nhà vua, có thể bị phạt tới 15 năm tù. Giới chức cung điện từ chối bình luận về các cuộc biểu tình của sinh viên hoặc về bất kỳ lời chỉ trích nào đối với hoàng gia.
Một người biểu tình tại Đại học Thammasat ở ngoại ô Bangkok tối 10/8. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Prayuth, cựu tổng tư lệnh quân đội lên nắm quyền lần đầu sau cuộc đảo chính năm 2014 và lần thứ hai sau cuộc bầu cử năm ngoái, hôm 11/8 nói với các phóng viên rằng ông đã theo dõi các cuộc biểu tình.
"Có, tôi xem rồi, làm thế nào có thể không xem chứ?", ông nói khi được hỏi về những yêu cầu của sinh viên.
"Tôi lo ngại", ông nói, nhưng không nói rõ ông lo ngại gì và không bình luận về những yêu cầu cải cách hoàng gia.
Ông Prayuth đã yêu cầu người biểu tình không nhắc đến hoàng gia trong các cuộc biểu tình của họ nhưng cho biết Quốc vương Maha Vajiralongkorn, người lên ngôi sau cái chết của cha mình vào năm 2016, đã yêu cầu ông không bắt giữ bất kỳ ai theo luật "lese majeste".
Kể từ cuộc đảo chính năm 2014, các nhà hoạt động đã cáo buộc ông Prayuth sử dụng mối quan hệ thân thiết giữa quân đội với hoàng gia để biện minh cho quyền lực của quân đội, bao gồm cả cáo buộc thao túng kết quả bầu cử năm ngoái. Ông Prayuth phủ nhận các cáo buộc.
Các yêu cầu mới của sinh viên bao gồm việc hủy bỏ sắc lệnh năm 2019 về việc đưa hai đơn vị quân đội về dưới quyền chỉ huy cá nhân của nhà vua và luật năm 2017 cho phép nhà vua toàn quyền kiểm soát khối tài sản đồ sộ của hoàng gia.