Biểu tình Bangladesh - vụ tai nạn làm tê liệt thành phố 18 triệu dân
Thứ ba, 7/8/2018 08:29 (GMT+7)
08:29 7/8/2018
Các cuộc biểu tình do sinh viên khởi xướng, kêu gọi áp dụng án tử hình cho tài xế lái xe bạt mạng dẫn đến chết người tại Bangladesh, đã bước sang ngày thứ chín và chưa "hạ nhiệt".
Chính phủ Bangladesh hôm 6/8 đã cam kết áp dụng án tử hình với những người liên quan đến một số vụ tai nạn giao thông giữa lúc các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, theo Guardian.
Ít nhất 140 người bị thương kể từ hôm 4/8 tại thủ đô Dhaka, nơi có 18 triệu dân, khi cảnh sát xịt hơi cay và bắn đạn cao su để giải tán đám đông quá khích. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình, bước sang ngày thứ chín hôm 6/8, vẫn tiếp tục diễn ra.
Biểu tình bùng phát hôm 29/7 sau khi một chiếc xe buýt chạy quá tốc độ làm thiệt mạng hai trẻ vị thành niên. Sinh viên xuống đường kêu gọi chính phủ sửa chữa lại những con đường xuống cấp ở Bangladesh.
Ban đầu chính phủ Bangladesh phớt lờ những lời kêu gọi của sinh viên, nhưng sau đó đã tìm cách xoa dịu họ. Hôm 6/8, chính phủ đã thông qua một dự luật quy định tăng án phạt đối với hành vi lái xe ẩu gây tai nạn từ 3 năm lên thành 5 năm tù giam. Trong ảnh, một người biểu tình viết dòng chữ "Chúng tôi muốn công lý" lên ngực.
Bộ trưởng Tư pháp Anisul Huq cho hay luật mới sẽ cho phép áp dụng án tử hình "nếu điều tra cho thấy hành vi gây ra cái chết trong một vụ tai nạn giao thông là cố ý".
Kể từ khi biểu tình nổ ra, hàng chục nghìn sinh viên đã tuần hành, chặn các con đường ở nhiều khu vực tại thủ đô Bangladesh, yêu cầu tài xế trình giấy phép lái xe cũng như giấy chứng nhận xe đủ điều kiện lưu thông. Cả 2 loại giấy tờ này đều là bắt buộc nhưng hiếm khi cảnh sát tra hỏi.
Các sinh viên đưa ra 9 yêu cầu, bao gồm lắp đặt gờ giảm tốc trên những đoạn đường nguy hiểm, siết chặt luật yêu cầu các loại giấy phép và áp dụng án tử hình cho các tài xế lái xe bạt mạng dẫn đến chết người.
Biểu tình tạm lắng hôm 4/8 khi cảnh sát dùng súng cao su bắn vào đám đông, làm bị thương ít nhất 100 người, theo các sinh viên và bác sĩ. Tuy nhiên, bạo lực bùng phát trở lại hôm 5/8.
Sáu nhà báo bị thương và xe chở đại sứ Mỹ tại Bangladesh, bà Marcia Bernicat, bị tấn công bởi những người có vũ trang, nhưng đã rời đi an toàn, theo đại sứ quán.
Các nhà phân tích nói việc các cuộc biểu tình lan rộng nhanh chóng, nhìn từ bên ngoài là vì vấn đề an toàn giao thông, còn cho thấy sự thất vọng sâu sắc với chính phủ do Thủ tướng Sheikh Hasina điều hành.
Chiếc ôtô lao lên vỉa hè tại thành phố Sochi, Nga, khiến một người thiệt mạng, 3 người khác bị thương. Điều tra sơ bộ cho thấy người lái xe đã ngủ gật.