Sau khi không được tham dự Olympic Sydney 2000, bóng đá nữ Nhật Bản đứng trước muôn vàn khó khăn khi một loạt các đội bóng rút lui. Đứng trước nguy cơ đó, JFA đã quyết định bổ nhiệm HLV Eiji Ueda làm HLV trưởng ĐTQG để chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2004.
Ở giai đoạn đầu, HLV Ueda vượt qua nhiều trở ngại trước khi giúp bóng đá nữ được thừa nhận rộng rãi trong xã hội Nhật Bản. Trước sự lớn mạnh này, JFA đã quyết định tổ chức một cuộc thi rộng rãi để tìm ra biệt danh thích hợp nhất cho đội bóng.
Biệt danh "Hoa cẩm chướng" gắn liền với sự đi lên của bóng đá nữ Nhật Bản. |
Trong số hơn 2.700 bài dự thi gửi về, JFA đã quyết định chọn “Nadeshiko Japan” (Hoa cẩm chướng Nhật Bản) làm biệt danh cho đội tuyển nữ và được công bố vào ngày 7/7/2004. Biệt danh này xuất phát từ cụm từ Yomato Nadeshiko. Trong đó, Yomato có nghĩa là nước Nhật cũ, Nadeshiko là hoa cẩm chướng. Hai từ này ghép lại có nghĩa là một người phụ nữ lý tưởng theo quan niệm của văn hóa Nhật Bản.
Biệt danh rất có ý nghĩa này tiếp bước cho bóng đá nữ Nhật Bản bay cao. Họ liên tiếp đoạt những thành công vang dội trong những năm gần đây. Hiện tại giải VĐQG nữ của Nhật Bản được gọi là Nadeshiko League.
Đội tuyển nữ Trung Quốc đã từng là thế lực của bóng đá thế giới cũng như là “độc cô cầu bại” tại Asian Cup. Họ từng giành ngôi á quân World Cup năm 1999 bên cạnh việc 7 lần liên tiếp vô địch giải đấu số 1 châu Á từ năm 1986- 1999. Thành tích này giúp tuyển Trung Quốc được đặt biệt danh rất kêu: “Bông hồng thép”.
Tuyển nữ Việt Nam thường được gọi là "Những cô gái vàng". |
Biệt danh của đội tuyển nữ Hàn Quốc không khác đội tuyển nam là mấy khi được gọi là “Taegeuk Ladies” (nữ chiến binh Taegeuk). Trong khi đó biệt danh của đội tuyển Australia - Matildas lại xuất phát từ Waltzing Matildas, vốn là bài hát dân gian nổi tiếng, được xem là quốc ca không chính thức của quốc gia này.
Ở khu vực Đông Nam Á, tuyển nữ Thái Lan có biệt danh rất ấn tượng “Voi chiến”. Trong khi đó, đội tuyển nữ Việt Nam thường được nhắc đến với cụm từ “The Golden Girls” (Những cô gái vàng). Tuyển nữ Myanmar không được gọi với một cái tên thay thế nào nhưng biệt danh “Thiên thần trắng” (vốn của đội nam) rất thích hợp với họ.