Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biến 'Make in Vietnam' thành sự thực, chuyên gia kiến nghị gì?

Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần cải thiện chính sách thuế, có thêm các quỹ đầu tư giúp doanh nghiệp, startup thuận lợi hơn trong việc phát triển.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam - Make in Vietnam sáng 9/5, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chính thức công bố chiến lược "Make in Vietnam" - chiến lược mà Bộ trưởng cho rằng liên quan đến tương lai, vận mệnh của Việt Nam.

Chính phủ, Bộ TT & TT quyết tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

Dành trọn buổi sáng để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc "hoá rồng".

"Trong tương lai, nước ta không chỉ hấp thụ, làm chủ công nghệ mà cần phát minh, sáng chế công nghệ; dùng công nghệ nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, từ đó vươn ra giải quyết bài toán toàn cầu", người đứng đầu Chính phủ nói.

Chuyen gia khuyen nghi cho Make in Vietnam anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông ra chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ. Ảnh: Việt Linh.

Từ đó, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông ra chiến lược, chương trình hành động về phát triển doanh nghiệp công nghệ, trình vào tháng 6, làm cơ sở pháp lý cho triển khai.

Nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ sớm ra chiến lược Make in Vietnam và đưa ra một số giải pháp để đạt mục tiêu có 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030.

"Doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc hoá rồng".

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Bộ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp lớn, có quy mô thị trường, nguồn lực tài chính và quản trị, có tinh thần khởi nghiệp đầu tư vào phát triển công nghệ, hình thành các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đóng vai trò đầu tàu, từ đó kéo theo hàng nghìn doanh nghiệp khác tham gia vào chuỗi cung ứng.

Người đứng đầu bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh vai trò của các startup, lực lượng sẽ “tạo lên một cuộc cách mạng toàn dân về phát triển và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam”. Chính từ những khởi nghiệp công nghệ này sẽ hình thành lên một số người khổng lồ công nghệ tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ diễn đàn này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng kêu gọi những người Việt Nam thành công ở nước ngoài "Đã đến lúc về Việt Nam hoặc hãy kết nối Việt Nam để xây lên những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Nhân tài có đặc tính là toàn cầu. Việt Nam chúng ta sẽ tạo ra điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ về đây".

Bộ trưởng cũng tin rằng Việt Nam cần một quỹ để phát triển công nghệ và sẽ tốt hơn nếu đây là một quỹ của toàn dân.

Chuyên gia kiến nghị về thuế, chính sách và khai thác nguồn lực

Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng, ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - cho rằng yếu tố tài chính rất quan trọng để phát triển các cụm ngành công nghệ sáng tạo nhưng doanh nghiệp không thể chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn từ Chính phủ.

“Phải có các quỹ đầu tư mạo hiểm, chấp nhận đầu tư dài hạn thì các công ty khởi nghiệp non trẻ mới có thể tồn tại được, bởi những năm đầu có thể họ sẽ thua lỗ triền miên. Rót vốn cho các startup trường kỳ là việc Chính phủ không làm được, mà phải dựa vào các quỹ từ tư nhân, chuyên nhiệp, trong nước và ngoài nước”, ông Thành nói.

Chuyen gia khuyen nghi cho Make in Vietnam anh 2
Ông Nguyễn Xuân Thành đề cao vai trò của các quỹ hỗ trợ tài chính và phát triển chính sách thuế của Chính phủ cho doanh nghiệp. Ảnh: VNF.

Ông Thành cho rằng Chính phủ có thể khuyến khích doanh nghiệp công nghệ phát triển bằng chính sách thuế, chẳng hạn như ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho lực lượng nhân lực công nghệ, hay ưu đãi thuế cho các hoạt động R&D của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có một thực trạng hiện nay tại Việt Nam là chính sách ưu đãi thuế có thể đã ban hành, nhưng riêng việc đi xin cho đủ giấy tờ chứng minh mình thuộc diện được hưởng ưu đãi cũng mệt mỏi, tốn kém. Ngược lại, chính sách ưu đãi thuế dành cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI lại làm tốt, nhanh.

Nói về vấn đề này, CEO của một doanh nghiệp nội dung số ở Việt Nam cũng thừa nhận chính sách dành cho các công ty sáng tạo ở Việt Nam đang ở mức kém nhất.

“Ở Trung Quốc, doanh nghiệp sáng tạo công nghệ đang được hưởng mức bảo hộ ưu đãi thuế, ở Mỹ Amazon lợi nhuận 11 tỷ USD, đóng thuế 0 đồng. Trong khi đó ở Việt Nam, mức thuế mà những doanh nghiệp công nghệ như chúng tôi phải đóng dao động 15-20% doanh thu, chứ không phải là 15-20% tính trên lợi nhuận như các nước. Thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng rất cao”, vị này nói.

Doanh nghiệp Việt Nam phải đóng thuế 15-20% dựa trên doanh thu, không phải trên lợi nhuận như các nước

- CEO một doanh nghiệp nội dung số

Vị này đề xuất 3 cơ chế hỗ trợ: Với những doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực rõ ràng, cần tách hẳn ra để quản lý riêng (chẳng hạn Uber, Grab), những lĩnh vực chưa rõ ràng (như tiền điện tử) có thể tạo ra các sandbox để kiểm soát không gian, thời gian thử nghiệm, đồng thời tạo ra các đặc khu ảo, chọn lọc để thử nghiệm những lĩnh vực hoàn toàn mới.

Trong khi đó, với kinh nghiệm của một người Việt lập startup tại thung lũng Silicon, ông Trần Việt Hùng (Hung Tran) - CEO Got It - cho rằng Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, học sinh sinh viên có tiềm năng trở thành kỹ sư giỏi và chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, chúng ta còn thiếu đội ngũ lãnh đạo kỳ cựu có khả năng xây dựng sản phẩm hướng tới thị trường toàn cầu.

Chuyen gia khuyen nghi cho Make in Vietnam anh 3
Ông Trần Việt Hùng đánh giá nguồn nhân lực của Việt Nam tiềm năng nhưng thiếu đi đội ngũ lãnh đạo kỳ cựu có khả năng xây dựng sản phẩm hướng tới thị trường toàn cầu. Ảnh: NVCC.

Do đó, ông Hùng đề xuất Việt Nam nên phát triển các công ty theo dạng hợp tác, một phần ở Việt Nam, một phần ở nước ngoài để thu hút nhân lực, thu hút các chuyên gia ở nước ngoài về làm việc. Một điểm quan trọng khác là Việt Nam phải xây dựng được các vườn ươm khởi nghiệp một cách dài hạn.

Ở góc độ là một doanh nghiệp lớn muốn chuyển mình thành tập đoàn công nghệ, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó chủ tịch Vingroup, Chủ tịch VinFast cho rằng các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam muốn tiến nhanh ở lĩnh vực công nghệ cần nghiên cứu công nghệ có tính ứng dụng cao, hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới để học hỏi, tiếp cận công nghệ lõi, đào tạo nhân lực tinh hoa, thu hút nhân tài công nghệ về Việt Nam và mở rộng mạng lưới tại các nước có công nghệ phát triển.

Lấy kinh nghiệm từ một số quốc gia khác, bà Thủy cho rằng các doanh nghiệp rất cần ưu tiên về thuế, thủ tục hành chính, mạng lưới nghiên cứu, đổi mới công nghệ từ chính phủ và sự động viên thúc đẩy, thậm chí tạo áp lực từ chính phủ để doanh nghiệp chuyển đổi.

'Make in Vietnam' - chiến lược liên quan tương lai, vận mệnh đất nước

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa công bố chiến lược sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam. "Doanh nghiệp Việt Nam là để Make in Vietnam", Bộ trưởng nói.




Thành Duy (ghi)

Bạn có thể quan tâm