Sáng 15/9, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở miền Trung Philippines và sẽ đi vào Biển Đông trong 24 giờ tới.
Với sức gió vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới đạt cấp 6-7, giật cấp 9, vùng nguy hiểm trên biển được xác định ở phía bắc vĩ tuyến 10 độ vĩ bắc và phía đông kinh tuyến 118 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đi theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h và có khả năng mạnh thành bão. Sáng 17/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới sau khi tiến vào Biển Đông. Ảnh: NCHMF. |
Sau đó, bão giữ nguyên hướng đi, tăng tốc lên 25 km/h và tiếp tục mạnh thêm. Hiện, cơ quan khí tượng chưa đưa ra nhận định chi tiết về khả năng đổ bộ của bão. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh xuất hiện vào chiều 17/9 có thể gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ.
Theo trang dự báo Windy, áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông trong đêm nay và mạnh lên thành bão trong ngày mai (16/9). Sau 3 ngày quần thảo trên biển, hình thái này có thể đi vào đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ chiều 18/9.
Cùng ngày, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công điện hỏa tốc gửi Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, yêu cầu khẩn trương lên phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Đối với tàu thuyền trên biển, lực lượng chức năng phải thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động để biết vị trí, hướng đi của áp thấp nhiệt đới và chủ động ứng phó. Địa phương phải tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ liên lạc thường xuyên với chủ tàu để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Ở đồng bằng và ven biển, nhà chức trách yêu cầu các địa phương rà soát, sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, đô thị, khu công nghiệp và sản xuất nông nghiệp.
Ở vùng núi, lực lượng chức năng cần rà soát nhà ở không an toàn, di dời người dân ra khỏi vùng xung yếu có nguy cơ sạt lở, lũ quét và sẵn sàng phương án sơ tán dân lên các khu vực an toàn khi cần thiết. Tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, địa phương bố trí lực lượng rà soát và hướng dẫn giao thông.